xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chờ đón Tết với họa sĩ "Ma Hời"

Bài và ảnh: KIM NGÂN

(NLĐO) - Ngôi nhà nhỏ của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ trong những năm qua đã đón hàng trăm lượt người đến chơi, ăn và nghỉ lại nhiều ngày. Đó là ngôi nhà không chỉ thân thiện vơi môi trường mà còn thân thiện với con người...

Trên đường vào Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện  Duy xuyên, Quảng Nam, không khí Tết bao trùm mọi ngả đường và trong mỗi ngôi nhà.  Hương vị Tết làng quê miền trung ấm áp trong nắng vàng dịu nhẹ, một chút vàng hoa mai, một chút lửa ấm nồng hoa vạn thọ trước hiên nhà… Phảng phất những làn khói lam từ những mái nhà, tiếng cười tất niên đón năm mới đây đó âm vang làm xao động không khí tĩnh mịch của làng quê… Đến đầu làng du lịch cộng đồng thuộc xã Duy Phú, huyện Duy xuyên,  gần Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn, vừa cất tiếng hỏi ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ là được mọi người chỉ vẽ rất tận tình.

 

Ngôi nhà đơn sơ của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

Ngôi nhà đơn sơ của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

 

Ngôi nhà độc đáo

Từ ngoài đường nhìn vào, ngôi nhà và mảnh vườn của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ như một bức tranh. Một nếp nhà đơn sơ nằm giữa một khu vườn xanh tươi. Mùa xuân điểm xuyến cho ngôi nhà bằng những bông hoa dại nở đầy màu sắc quanh vườn. Những cụm họa vạn thọ trước ngõ sáng rực như dẫn lối cho khách vào nhà.

Ngày giáp Tết, họa sĩ loay hoay dọn nhà. Trên chiếc bàn tre cũng đã bày sẵn những món đồ Tết dân dã như bánh đậu xanh, bánh nổ, hạt dưa...

 

Những món ăn ngày Tết dân dã trong nhà họa sĩ Hỷ

Những món ăn ngày Tết dân dã trong nhà họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

 

Cách đây 3 năm, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ mua miếng đất rộng chừng 1 nghìn mét vuông ở Duy Hòa, Duy Xuyên và dựng lên ngôi nhà tranh khiến bao người ngạc nhiên. Nhưng với anh thì đó như là chuyện đương nhiên.

Hơn 30 năm  gắn bó với việc nghiên cứu, bảo tồn các ngôi nhà cổ ở miền Trung, ngôi nhà tranh thân thiện với môi trường mà anh dựng lên bằng tất cả tâm huyết và kinh nghiệm tích lũy được hàng chục năm qua.

Đó là ngôi nhà ba gian mang dáng dấp những ngôi nhà mái lá ở khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị vào tới Bình Định. Tuy nhiên, để phù hợp với môi trương, hài hòa với thời hiện đại, họa sĩ đã tìm tòi sáng tạo và dựng lên một ngôi nhà độc đáo có một không hai.

Vật liệu xây dựng chính cho ngôi nhà cũng là đất sét, rơm, rạ, tranh tre... nhưng đất sét lấy từ đáy nước sâu, có khả năng chống mối mọt, trộn với một tỉ lệ muối nhất định rồi nhào với rơm khô để trát vách và đắp thành mái. Nhờ thế, nhiệt độ ngôi nhà được giữ ổn định, mùa đông ấm, mùa hè mát. 8 cột thép chắc chắn được ốp bên ngoài bằng những thân tre khiến ngôi nhà tuy nhỏ bé nhưng khá vững chắc, có thể trụ vững được trước những cơn bão lớn. Họa sĩ kể nững ngày hè, hàng xóm thường chạy qua nghỉ nhờ cho mát, ngày bão thì kéo đến nhà anh để tránh bão...

Ngôi nhà rộng chừng 20m2, ba gian nhà được bố trí phòng ngủ hai bên, gian giữa là phòng khách, lui một chút là cái bếp nhỏ gọn gàng. Nhà vệ sinh sau phòng ngủ của chủ nhân.

Sau ngôi nhà có một nhà ngang là xưởng vẽ, phòng tranh của họa sĩ. Bao quanh hiên nhà họa sĩ đào những cái hào bề ngang chừng 50 phân, chiều chừng 30-40 phân. Hào nước đó được đổ bê tông như cái bể chứa nước mưa nhân tạo. Trong đó anh thả lục bình và mấy loại cá quen thuộc như tràu, trê, rô… để có khách đến chơi lại câu lên đãi.

 

Phòng tranh của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ
Phòng tranh của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

 

Họa sĩ Hỷ kể khi anh làm các hào nước quanh nhà, nhiều người bàn ra tán vào bảo như vậy là không hợp với phong thủy. Tuy nhiên, anh cho biết các hào nước đó là sự điều hòa không khí tốt nhất. Chi phí để làm toàn bộ ngôi nhà làm hết chừng 35 triệu đồng thì cái hào nước bê tông đã ngốn hơn 2/3 số tiền.

Nằm trong làng du lịch cộng đồng, nơi được đầu tư cho khách du lịch tham quan nét văn hóa làng quê miền Trung, nhà họa sĩ Nguyễn thượng Hỷ là căn nhà duy nhất làm bằng tranh. Tuy không đăng ký phục vụ du khách nhưng ngôi nhà anh lại thu hút nhiều người ghé thăm và xin ở lại. Anh luôn nhiệt tình đón khách và nấu cơm đãi đằng chu đáo mà không thu bất cứ loại phí nào.

Khi anh đi vắng cửa nhà chỉ được hạ xuống, cổng được khép lại nhưng không khóa, bạn bè ghé qua có thể mở cửa vào và ở lại.

 

img

 

img

 

img

 

img

 

img

 

Cận cảnh những nét đơn sơ, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên trong ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

Cận cảnh những nét đơn sơ, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên trong ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

 

 

"Ma Hời" Xứ Huế

 

Khi hỏi về cái biệt danh "Ma Hời" mà mọi người gán cho anh, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cười rất hiền, nói: "Có lẽ do mình gắn bó với Mỹ Sơn khá lâu và có thể do dáng dấp và mai tóc quăn của mình nên người ta cứ hay nhầm tưởng mình là người Chăm”.

 

Ngày 11-10 - 2014, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ được Trường ĐH Toyama, Nhật Bản, mời qua trao tặng giải thưởng Daifumi.  Giải thưởng ghi nhận công lao của những người bảo tồn kiến trúc cổ, đặc biệt là kiến trúc bằng gỗ. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ là người nước ngoài duy nhất nhận giải thưởng này trong năm.

 

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ gắn bó với Mỹ Sơn hơn 30 năm. Khi anh lên Thánh địa Mỹ Sơn công tác, con gái anh chưa ra đời, nay cô bé ấy đã 32 tuổi. Cha anh là một ông quan triều Nguyễn, từng làm tri phủ huyện Đại Lộc ngày trước. Gia đình có 9 người con, mình anh mê say hội họa và theo đuổi nghề nghiệp đến giờ.

Sự gắn bó với Mỹ Sơn lôi cuốn anh về lại mảnh đất này. Gia đình ở Đà Nẵng, công tác ở Quảng Nam, nghỉ hưu anh quay lại Mỹ Sơn và gắn bó nơi này như chốn quê hương. Hàng tuần, hàng tháng, mỗi khi anh chuẩn bị lên Mỹ Sơn, vợ anh lại sắp xếp lương thực, thực phẩm cho anh. Ngày nghỉ các con, các cháu anh lại kéo lên thăm cha và ông.

 

Vườn rau nhỏ của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

Vườn rau nhỏ của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

 

Ở Mỹ Sơn, trong căn nhà đơn sơ, anh cảm thấy mình tập trung và phát huy được sự sáng tạo. Anh cho biết trong số rất nhiều người đến tham quan và ở lại ngôi nhà của anh, có một nhà kinh doanh du lịch đã đặt anh thiết kế và thi công những ngôi nhà tranh như ngôi nhà anh đang ở cho khu resort mới của ông ở Nha Trang, Khánh Hòa trong năm 2015. Anh đang bắt tay cho dự án đó.

Chuyện trò quá trưa, họa sĩ giữ tôi ở lại ăn bữa cơm tất niên. Anh ra hiên nhà nhổ những mầm cải mới, hái nắm rau lang, luộc cùng đậu ve chấm mắm ruốc ăn với vài lát thịt heo dầm, khoanh chả.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo