Hoạt động không hiệu quả
Trước đó, UBND phường 11 ra thông báo do chợ Phước Thắng không bảo đảm các điều kiện về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm nên sẽ giải thể vào ngày 16-10. Phường yêu cầu các tiểu thương từ ngày 1-8 đến 30-9 phải dọn dẹp hàng hóa, giao trả lại tài sản cho nhà nước.
Sau khi nhận thông báo, các tiểu thương đang kinh doanh trong chợ đã không đồng ý bởi chợ Phước Thắng hoạt động được gần 50 năm, rất hiệu quả, chưa từng xảy ra cháy nổ và gây mất an ninh trật tự... Đặc biệt, chợ vừa được nâng cấp, cải tạo vào năm 2011.
Theo các tiểu thương, trước khi có thông báo giải thể chợ Phước Thắng, họ không nhận được bất kỳ văn bản nào và cũng không được tổ chức họp bàn. Trong khi đó, nơi mà chính quyền hướng tiểu thương vào kinh doanh là chợ tư nhân, được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2014.
Chị Lê Thị Ánh Đào (kinh doanh cửa hàng tạp hóa) cho biết nếu vào chợ của nhà nước thì các tiểu thương hoàn toàn nhất trí. Thế nhưng, chính quyền lại bắt họ chuyển vào chợ tư nhân, từng hoạt động không hiệu quả và giờ chỉ còn vài tiệm tạp hóa bán bên ngoài.
“Chuyển qua chợ tư nhân thì hằng tháng, chúng tôi phải bỏ tiền ra thuê gian hàng và ai sẽ là người bảo đảm quyền lợi khi kinh doanh không hiệu quả? Ngoài ra, chúng tôi đã đầu tư cơ sở hạ tầng tại chợ Phước Thắng rất kiên cố, vậy việc đền bù và hỗ trợ ra sao?” - chị Đào đặt vấn đề.
Theo ông Lê Văn Thiệt (giữ xe tại chợ Phước Thắng), trong khi rất nhiều chợ tạm, chợ cóc... hoạt động tràn lan tại các con đường ở phường 11, phường 12, phường Rạch Dừa thì chính quyền địa phương lại không hướng họ vào chợ mới hoạt động.
Đúng quy trình (!?)
Cách chợ Phước Thắng chưa đầy 1 km là khu chợ mới, được đầu tư bởi Công ty TNHH TM&DV Năm Linh (vốn gần 50 tỉ đồng), hoạt động từ giữa tháng 9-2014. Theo quan sát của phóng viên, chợ này được xây dựng rất khang trang, rộng rãi, sạch sẽ và các gian hàng bố trí hợp lý. Tuy nhiên, chợ hoạt động lại không hiệu quả.
Từ những ngày đầu khai trương, bên trong chợ rất vắng khách, người dân tập trung hết ra cổng và ngoài đường để buôn bán. Sau đó, số lượng các gian hàng giảm dần và cho tới nay thì trong chợ chỉ còn vài gian hàng, chủ yếu kinh doanh quần áo, tạp hóa. Thậm chí, nhiều hộ từng chuyển từ chợ Phước Thắng sang chợ mới để kinh doanh nhưng chỉ bám trụ được đến tháng thứ 2 là phải quay về vì không có người mua.
Lý giải về việc trên, một người dân cho biết mặt tiền chợ mới rất nhỏ, chỉ đủ cho một lối đi, nhìn chợ lọt thỏm vào bên trong nên nhiều người ngại đến. Hơn nữa, bên ngoài có rất nhiều chợ cóc, chợ tạm chưa giải tỏa được. Điều đáng nói, chợ mới hoạt động từ tháng 9-2014 nhưng theo thông báo của UBND phường 11 thì phải hơn 1 năm sau, tức là tháng 10-2015, UBND TP Vũng Tàu mới có thông báo về việc giải thể chợ Phước Thắng. “Phải chăng do giải thể chợ cóc, chợ tạm không hiệu quả nên mới bắt buộc các tiểu thương chợ Phước Thắng qua?” - một tiểu thương nghi vấn.
Ông Lê Hưng, Chủ tịch UBND phường 11, cho biết việc ra thông báo giải tỏa chợ là đúng quy trình. Từ thông báo này, các tiểu thương có nguyện vọng gì thì gửi cho phường. “Chúng tôi sẽ tổng hợp, phân loại và chuyển lên TP Vũng Tàu để hướng dẫn người dân” - ông Hưng nói.
Theo bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, do sau khi làm đường thì diện tích sử dụng không đủ để hoạt động chợ nên UBND TP đang có quy hoạch chợ Phước Thắng để làm công viên cây xanh. UBND TP Vũng Tàu đã nhận được thông báo giải tỏa từ phường 11 và sẽ chỉ đạo để lắng nghe nguyện vọng của người dân trước khi quyết định.
“Chính quyền địa phương sẽ rà soát lại để phân bổ các hộ kinh doanh vào những khu vực chợ thuận lợi theo nguyện vọng, chứ không nhất thiết phải là chợ mới. Nếu các tiểu thương chuyển qua chợ mới thì sẽ được miễn giảm giá thuê gian hàng 6 tháng đầu” - bà Hường thông tin.
Bình luận (0)