Nằm cách trung tâm Thành phố Quảng Ngãi khoảng 5km, chợ Gò (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) là một trong những phiên chợ xưa nhất tỉnh Quảng Ngãi. Những người tham gia phiên chợ đa phần những nông dân từ làng quê nghèo, bởi vậy hàng hóa được bày bán ở đây cũng mang nét đặc trưng riêng của một vùng quê
Trái cây vườn nhà được bày bán khắp nơi.
Chợ bắt đầu họp từ khoảng 16 giờ đến 19 giờ chợ tan. Ở những ngày cuối năm, chợ thường đông hơn và kéo dài hơn ngày thường khoảng 1 giờ đồng hồ. Các mặt hàng được bán chủ yếu của những nông dân làm được như cây hành tươi, củ kiệu, hành củ, bánh tét, bánh chưng hay những vật dụng thường ngày như cây chổi, bó rau, bó hoa hay nải chuối chưng bàn thờ ngày Tết...
Món bánh thửng, bánh mì xốp - một trong những đặc sản không thiếu ở các chợ quê Quảng Ngãi.
Bà Nguyễn Thị Thanh, ngụ xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi, cho biết bà đã gắn bó với chợ Gò gần 40 năm qua. “Hàng hóa của chúng tôi bán ở đây đều của bà con nông dân trong vùng làm ra được. Cứ mỗi năm Tết về, chợ đông hơn, hàng hóa cũng nhiều hơn một tí. Năm nào cũng vậy, bắt đầu khoảng 20 Âm lịch trở đi, chợ thường đông hơn, buôn bán cũng sầm uất hơn bởi rất nhiều người mang những sản vật làm ra được đi bán. Thậm chí người từ thành phố cũng về đây mua những sản vật từ các chợ quê này vì họ tin tưởng độ an toàn của sản phẩm chợ quê” - bà Thanh nói.
Hành, tỏi - đặc sản Lý Sơn được bày bán tại nhiều chợ quê trong những ngày giáp Tết.
Không chỉ chợ Gò, nhiều chợ quê khác trong tỉnh Quảng Ngãi như chợ Châu Sa, Bờ Đắp, Hàng Rượu, Thu Lộ, Thu Xà… trong những ngày giáp Tết cũng bày bán những mặt hàng đơn giản, dân dã nhưng mang nét đặc trưng riêng của vùng quê.
Bánh ú Quảng Ngãi.
Với nhiều người, chợ quê ngày Tết không chỉ để mua bán mà còn nơi để gặp gỡ nhau dịp cuối năm. Nhiều người đi chợ quê cuối năm để gặp gỡ, chuyện trò với bạn bè, người quen sau cả năm không gặp. Thậm chí có cụ già lưng còng, tóc bạc phơ trong những phiên chợ cuối năm vẫn tranh thủ chút thời gian đến chợ chỉ đơn giản được nhìn ngắm, hỏi han người này người khác khiến không khí chợ thêm ấp áp, thân tình.
Đôi khi đi chợ tết giản đơn là để gặp người quen và chuyện trò.
Trong xã hội bộn bề thời nay, hình ảnh phiên chợ quê vẫn không thể phai mờ trong tâm trí mỗi người. Nhất là những người con xa quê. Chợ quê cuối năm luôn khơi gợi những kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào. Nơi ấy có đầy ắp những hình ảnh tuổi thơ theo mẹ đến chợ để được nhìn ngắm, tung tăng trong muôn trùng sắc màu, hồn quê.
Hoa tươi trong phiên chợ quê.
Bình luận (0)