Dư luận nhìn chung đồng tình về quyết định cách chức hiệu trưởng đối với bà Ngọc và hiệu phó đối với bà Nguyễn Thị Hương sau khi các cơ quan chức năng TP Hà Nội xác minh, kết luận về vụ tai nạn liên quan đến 2 bà. Cụ thể: ngày 1-12-2016, bà Ngọc và bà Hương ngồi trên taxi chạy thẳng vào sân Trường Tiểu học Nam Trung Yên vào giờ học sinh ra chơi, xe tông vào cháu Trần Chí Kiên (lớp 2A2) làm cháu gãy xương đùi. Gia đình nạn nhân làm đơn gửi UBND quận Cầu Giấy đề nghị xem xét trách nhiệm ban giám hiệu nhà trường. Từ ngày 20 đến 23-12-2016, lần lượt Phòng Giáo dục và Đào tạo rồi UBND quận Cầu Giấy làm việc với ban giám hiệu, yêu cầu báo cáo trung thực để làm rõ nhưng bà Ngọc và bà Hương đều cam kết không hề liên quan đến tai nạn của cháu Kiên. Đáng chú ý, qua làm việc, quận Cầu Giấy phát hiện vào ngày 15-12-2016, ban giám hiệu có phát phiếu khảo sát tới học sinh, giáo viên, bảo vệ của trường hỏi về vụ tai nạn, sau đó tổng hợp kết quả: 100% khẳng định không thấy có chiếc ô tô nào chạy vào sân trường trong ngày 1-12-2016 (!).
Tuy nhiên, từ xác minh của Công an quận Cầu Giấy, khai báo của tài xế taxi và những người liên quan, UBND quận Cầu Giấy khẳng định lời khai của bà Ngọc và bà Hương là gian dối nên đã ra quyết định cách chức. Bà hiệu trưởng dù có muốn đổi trắng thay đen nhưng tài xế chiếc taxi chở bà và những người chứng kiến thì không như thế. Với trách nhiệm phải nói lên sự thật, họ đã “chở thật thà vào lòng dối trá”. Quả là nhân cách con người chẳng hề phụ thuộc vào địa vị xã hội.
Sau vụ này, người ta phanh phui thêm tiêu cực của bà Ngọc trong quá khứ và cho rằng những gì vừa xảy ra là hậu quả của sự bao che của tổ chức cấp trên, đã từng tiếp nhận tố cáo sai phạm về bà Ngọc, tổ chức xác minh rồi mà vẫn tiếp tục bổ nhiệm bà làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Nhưng, điều lớn nhất đáng nói là bà Ngọc và bà Hương không trung thực đã đành, lại đi “mồi” cho giáo viên, nhân viên và bày học sinh làm điều gian dối. Nhà giáo không được phép làm như vậy! Càng không thể chấp nhận khi họ cố tình lấy một kết quả sai sự thật - mà thực chất là bị họ bóp méo - để làm cái vỏ che đậy cho sự dối gian của mình, tức gian dối gấp đôi. Vết thương thể xác của cháu Kiên rồi sẽ lành nhưng tổn thương tinh thần mà riêng em và tập thể giáo viên, học sinh ở đó phải chịu biết bao giờ mới vơi?
Sự việc lẽ ra sẽ đơn giản hơn nhiều nếu sau khi chiếc xe đâm ngã học sinh, bà Ngọc cùng nhà trường và gia đình phối hợp xử lý thay vì bỏ đi thẳng vào trong (dù bà Hương xuống xe đỡ nạn nhân…) rồi sau đó chối bay chối biến. Mà cũng nhờ vậy mà ngành sư phạm mới loại được một thành viên không xứng đáng tồn tại trong hàng ngũ của mình. Làm sạch được chừng nào hay chừng đó!
(*) Lời trong bài hát “Về đây nghe em” của Trần Quang Lộc.
Bình luận (0)