Nghị định 02/2003 NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ bắt đầu có hiệu lực từ 15-3. Theo nghị định này, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh chợ, sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho hệ thống chợ trên cả nước
Trước khi có Nghị định 02/2003 NĐ-CP, thời gian qua, mô hình cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc quản lý, kinh doanh và đầu tư xây dựng chợ được thực hiện ở một số quận, huyện trên địa bàn TPHCM, đã đem lại một số kết quả đáng khích lệ.
Một số quy định của Nghị định 02 về phát triển và quản lý chợ Điều 1: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh: 1. Nghị định này quy định về phát triển và quản lý chợ, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động về chợ, bao gồm các lĩnh vực: quy hoạch phát triển mạng lưới chợ; đầu tư xây dựng và sửa chữa, cải tạo nâng cấp chợ; hoạt động kinh doanh khai thác và quản lý chợ; kinh doanh mua bán hàng hóa tại chợ... Điều 3: Phân loại chợ: Tất cả các chợ theo quy định đều được phân thành 3 loại: 1. Chợ loại 1: Có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy hoạch. 2. Chợ loại 2: Có trên 200 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch. 3. Chợ loại 3: Có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố... (Nguồn: Công Báo số 10, ngày 20-2-2003) |
Người tiêu dùng được lợi.- Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trên địa bàn TPHCM hiện có trên 400 chợ chia làm 2 loại: Chợ do Nhà nước quản lý và chợ tự phát. Thực tế hiện nay, hệ thống chợ phát triển tràn lan, gây mất trật tự an toàn giao thông, việc khai thác công năng các chợ do Nhà nước quản lý còn nhiều hạn chế. Hầu như các chợ tồn tại theo nhu cầu của người kinh doanh, chưa theo một định hướng chung, từ đó dẫn đến sự xuống cấp, nhếch nhác... Nguyên nhân dẫn đến hệ quả trên là do cách thức quản lý của các địa phương, cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, không theo kịp sự phát triển của đô thị hiện nay. Trước tình hình này, một số quận đã tự tìm cho mình một mô hình mới để quản lý chợ. Cụ thể là tại quận Tân Bình, từ năm 1992, được sự cho phép của Sở Thương mại và UBND TP cho phép tổ chức thí điểm đấu thầu quản lý chợ. Bà Phạm Thị Thanh Thủy, cán bộ Phòng Kinh tế quận Tân Bình, nhận định: “Ngoài việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả thì các chợ này còn đáp ứng được nhiều nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng”. Theo bà Thủy, nguyên nhân khi tư nhân quản lý chợ thì họ phải đối diện với sự cạnh tranh. Từ đó, họ phải tìm mọi cách để thu hút tiểu thương và người tiêu dùng đến chợ nhiều hơn. Trước tiên, cảnh ảm đạm vắng khách hoặc những cảnh nhếch nhác mất vệ sinh tại các chợ giảm hẳn. Tại quận Tân Bình, nhiều cá nhân khi được trúng thầu quản lý các chợ: Tân Hưng, Tân Phước (phường 9), chợ Võ Thành Trang (phường 14), chợ Tân Hương (phường 16)... đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho các khoản duy tu sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh... Đối với những chợ xuống cấp nặng, những cá nhân trúng thầu cam kết vận động tiểu thương đóng góp để cùng Nhà nước thực hiện việc cải tạo xây dựng, với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Còn tại chợ Bình Phú (quận 6), do Công ty Xây dựng và Phát triển quận 6 tự xây dựng và quản lý đi vào hoạt động từ tháng 9-2001, đến nay đạt được một số thành công nhất định. Có mặt tại lồng chợ vào buổi sáng cuối tháng 2, chúng tôi nhận thấy việc sắp xếp các quầy hàng hợp lý, không có cảnh nhếch nhác như một số chợ khác. Bốn mặt tiền chợ thông thoáng, có bãi giữ xe tạo điều kiện thuận lợi cho khách vào mua sắm. Chị Nguyễn Thị Thu ở phường 10, quận 6, cho biết: “Đi chợ này tôi rất yên tâm về giá cả, không có cảnh chen lấn do đó khỏi sợ bị kẻ gian móc túi...”.
Người đầu tư 6 tỉ đồng xây chợ Cho đến thời điểm này, ông Lê Minh Chánh, nhà ở phường 6, quận 11- TPHCM, là người đầu tiên ở khu vực phía Nam bỏ tiền ra xây dựng và quản lý một chợ tư nhân có quy mô lớn. Chợ Thuận Giao nằm ở ấp Hòa Lân 2, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương được ông Chánh đầu tư 6 tỉ đồng, bao gồm 4 tỉ đồng để mua 14.000 m2 đất và 2 tỉ đồng để xây dựng chợ theo kiểu nhà lồng với tổng cộng 300 quầy, sạp cho các hộ tiểu thương thuê. Giữa tháng 1-2003, chợ Thuận Giao đã chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, đã có hơn 80% số quầy, sạp đã được tiểu thương trong và ngoài tỉnh thuê theo hợp đồng 5 năm. Theo dự tính của ông Chánh, sau 5 năm, ông Lê Minh Chánh sẽ thu hồi vốn và có lãi. Ngoài việc giải quyết được những vấn đề bức bách về nhân sinh, ông Lê Minh Chánh còn giúp chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý và thu nộp thuế. D.Quang |
Nhà nước nhẹ gánh.- Không chỉ người tiêu dùng được lợi, mà việc bàn giao chợ cho tư nhân quản lý đã có những chuyển biến tích cực làm lợi cho Nhà nước. Theo Phòng Kinh tế quận Tân Bình, ngoài việc giúp quận giảm một khoản chi đáng kể về chi phí điều hành do việc tinh giản nhân sự, các chợ này còn tạo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước. Cụ thể, năm 1996, tổng số thu nộp ngân sách của 9 chợ cho tư nhân đấu thầu quản lý đạt gần 500 triệu đồng, thì đến năm 2001 con số này đã lên tới gần 1,7 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Phú (quận 6), cho biết để điều hành, quản lý 700 sạp hàng như chợ chúng tôi thì các chợ khác phải có đến trên 70 người. Nhưng hiện tại, ban quản lý chợ chúng tôi chỉ có khoảng 15 người...”. Một trưởng ban quản lý chợ tư nhân ở quận Tân Bình cho biết, việc cho tư nhân đấu thầu quản lý chợ đã tạo ra bộ máy quản lý chợ linh động, hiệu quả hơn nhiều.
Chợ tự phát sẽ hết thời!.- Cũng theo thống kê của Sở Thương mại TPHCM, số chợ tự phát chiếm đến 50% trên tổng số chợ hiện có ở TP (khoảng 200 chợ). Từ lâu, tình trạng chợ tự phát đã gây ra nhiều phiền toái cho công tác quản lý Nhà nước cũng như về trật tự an toàn giao thông. Thực tế, tình trạng chợ tự phát đang có chiều hướng gia tăng ở một số quận, huyện. Tại quận Bình Thạnh có tổng số 31 chợ đang hoạt động, trong đó có 5 chợ cấp quận như: Bà Chiểu, Thị Nghè, Thanh Đa, Văn Thánh và Phan Văn Trị, còn lại là các chợ tạm, chợ tự phát... Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết cơ sở vật chất của các chợ tự phát hầu như không có, tiểu thương tập trung buôn bán trên các tuyến đường giao thông, không có hệ thống thoát nước, các chất thải từ hoạt động chợ đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh... Điều 18 Nghị định 02 có ghi: “... Ngăn chặn và chấm dứt tình trạng chợ tự phát sinh hoặc xây dựng không đúng quy hoạch; phải có kế hoạch và biện pháp xóa bỏ các chợ không nằm trong quy hoạch và các chợ tự phát sinh trước hết là các chợ họp trên lòng lề đường, hè phố...”. Nếu làm đúng theo quy định mới thì các chợ tự phát sẽ không còn tồn tại. Do vậy, việc quận Bình Thạnh có kế hoạch từ nay đến năm 2010 sẽ quy hoạch sắp xếp mạng lưới chợ trên địa bàn quận và thực hiện giải tỏa 21 chợ tạm và tự phát như: Cây Điệp, Cây Thị, Hồ Xuân Hương, Vũ Tùng... là phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh việc xếp chỉnh trang mạng lưới chợ, việc đưa ra một số mô hình quản lý mới sẽ được thực hiện, để xây dựng chợ theo hướng văn minh, hiện đại và đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Bình luận (0)