Dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) Hụi- họ hay còn gọi là biêu- phường không phải là vấn đề mới, mà đã tồn tại như một tập quán và từng được pháp luật của nhà nước cũ (trước năm 1945 ở miền Bắc và chính quyền Sài Gòn sau này) thừa nhận. Lần gần đây nhất, khi soạn thảo Bộ Luật Dân sự năm 1995, “hụi- họ” cũng được đặt lên bàn các nhà lập pháp. Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Văn Yểu nhắc lại và gọi đây là cái “nợ”. Khi đó, năm 1995, ý kiến là “đợi các cơ quan chức năng xem xét”. Đến nay, qua gần 10 năm, cách nhìn nhận vấn đề “hụi- họ” đã thay đổi và cần phải thay đổi.
Sẽ soạn thảo hướng dẫn chi tiết về hụi - họ
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) bày tỏ: “Thời kỳ năm 1990, tôi làm giám đốc Sở Tư pháp, nghe đến hụi- họ là dị ứng ngay. Nhưng pháp luật cấm mà họ vẫn chơi, để công xem xét, tôi thấy hụi- họ cũng có mặt tích cực”. Các ĐB nhìn nhận, bản chất của hụi- họ là viện trợ, hỗ trợ nhau cho vay vốn; huy động vốn nhanh, không thủ tục phiền hà như vay tiền ở ngân hàng... Đồng tình với những mặt tích cực của hụi- họ, song ĐB Nguyễn Văn Luật- Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TAND Tối cao) - khuyến cáo về những kiểu chơi hụi mang tính cho vay nặng lãi mà lãi suất lên đến vài chục phần trăm. Đây thực chất là loại giao dịch mang tính bóc lột. Ông Luật dẫn ra hàng tá kiểu chơi hụi- họ, như: hụi ngày, hụi tuần, hụi nửa tháng, hụi tháng, hụi quý, hụi năm... Phần đa hiện nay là chơi hụi có lãi, một kiểu kinh doanh tiền tệ, trong đó có một lớp người chuyên sống bằng hụi, bóc lột với đủ mánh khóe “nghề nghiệp”. Lãi suất cao nhất là hụi ngày, lên tới 200%. Tuy nhiên, ĐB Đức Dũng tranh luận, không phải dây hụi nào như thế cũng “bể” cả, vì xuất phát từ nhu cầu cần huy động vốn thực.
Trước hai luồng ý kiến đó, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu kết lại: Cấm tiệt hụi- họ chắc chắn không được. Còn nếu cho phép thì Nhà nước phải có quy định phù hợp để hoạt động này đúng hướng, bằng cách khống chế một tỉ lệ lãi suất hợp lý trong hoạt động hụi- họ. Ý kiến chung là Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) chỉ đưa ra quy định chung về hụi- họ, còn sẽ giao cho các cơ quan chức năng soạn thảo các hướng dẫn chi tiết.
Tổ hợp tác nên là một chủ thể hạn chế
Tổ hợp tác rất khó xác định tư cách và trách nhiệm pháp lý vì vậy đa số ĐBQH chuyên trách tán thành việc không quy định tổ hợp tác là một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, cũng có ĐB lại cho rằng nên đưa vào pháp điển nhằm tạo điều kiện cho các tổ hợp tác thuê, mượn đất đai, vay vốn phát triển sản xuất. ĐB Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng) cho rằng trong đường lối, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, không quy định thành phần này. Do đó, khi phát sinh tranh chấp, không có luật để điều chỉnh. Tổ hợp tác xuất hiện từ lâu, khá phổ biến. Xuất phát từ thực tế này, đa số ĐB cho rằng tổ hợp tác nên là một chủ thể hạn chế, được hình thành trên cơ sở hợp đồng từ 3 cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm.
Bình luận (0)