xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chọi trâu Đồ Sơn: Nghề chơi cũng lắm công phu

Bài và ảnh: Khánh Phương

Trước lễ hội 3 tháng, người chăm trâu không được ăn nằm với vợ. Trâu chọi được nuôi chuồng riêng, được chủ tẩm bổ bằng vitamin B1, bia, thậm chí cả mật gấu

Dù ai buôn bán trăm nghề. Mùng 10 tháng 8 thì về chọi trâu. Năm nào cũng thế, cứ đến những ngày này là người dân khắp nơi lại nô nức đổ về Đồ Sơn - Hải Phòng dự lễ hội chọi trâu.

Tìm trâu “chiến” : Cực khó!

Ông Nguyễn Văn Thao, một người cả đời gắn bó với mảnh đất Đồ Sơn, cho biết vừa kết thúc lễ hội là đội quân chuyên săn trâu chọi đã ráo riết đổ đi lùng sục mua những “ông trâu” mới về nuôi dưỡng chuẩn bị cho năm sau. “Tìm được trâu “chiến” ưng ý, có miếng đánh hiểm là cực khó. Các chủ trâu sẵn sàng bỏ ra 30-40 triệu đồng để mua một con “lọt vào mắt xanh” về nuôi dưỡng, huấn luyện. Trâu đạt tiêu chuẩn phải là trâu đực khoảng 9-11 tuổi, khỏe khoắn, sừng cánh cung, ức rộng, cổ tròn dài, lưng càng dày, càng phẳng càng tốt”- ông Thao tiết lộ.

Ông Lê Viết Luân, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, kể: “Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mấy năm nay khác xưa nhiều lắm. Các chủ trâu phải lên vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí sang tận Lào để tìm trâu. Trâu to chưa chắc đã thắng trận. Năm trước, con trâu nhà ông Tuyền ở phường tôi mua ở Nghệ An to như con voi nhưng vẫn thua”. Ông Nguyễn Văn Ba, ngụ ở khu dân cư Trung Dũng, phường Ngọc Xuyên, cho biết thêm: “Các chủ trâu thường mua trâu khá muộn để giấu bài”.

Theo ông Nguyễn Văn Ba, nghề lái trâu chọi có lãi cao, nhưng muốn bán được một con không phải là chuyện dễ. Theo quy trình của dân lái trâu chọi, sau khi tìm được “hàng”, họ phải chụp ảnh, đo vòng cổ, ức, bụng, sừng..., rồi mang về Đồ Sơn tiếp thị. Theo kinh nghiệm của các chủ trâu cao niên ở Đồ Sơn, trâu vùng núi đánh không dai sức bằng trâu nuôi tại vùng đồng bằng. Trâu núi chỉ “chơi” được 15-20 phút, trong khi trâu đồng bằng có thể đánh nhau cả giờ.

Huấn luyện càng căng hơn

Việc mua trâu đã khó, huấn luyện trâu càng căng hơn. Theo ông Thao, người chăm trâu được lựa chọn phải có kinh nghiệm, thường là người có tuổi. Các bậc cao niên ở Đồ Sơn cho biết trước lễ hội 3 tháng, người chăm trâu không được ăn nằm với vợ. Trâu chọi được nuôi chuồng riêng, không cho thấy trâu nhà để giữ bản năng hoang dã. Trước đây, trâu chọi thường ăn cỏ non, gần ngày hội được bồi dưỡng bằng cháo ngô. Song, ngày nay chúng được chủ tẩm bổ bằng vitamin B1, bia, thậm chí cả mật gấu.

Gần đến ngày thi đấu, để trâu quen với không khí “trận mạc”, mỗi sáng, chủ cho người dắt trâu dạo bờ biển Đồ Sơn, tập chạy trên cát, cho bơi bùn ngập để nâng thể lực. Rồi trâu được dắt ra phố để lũ trẻ con gí thanh la, não bạt, chiêng trống vào tai mà gõ, múa cờ quạt quanh mắt... để cho “ông” quen với âm thanh, không khí lúc lâm trận. Để cho “phe mình” chắc thắng, các chủ trâu còn dùng những “tiểu xảo”, như: vót nhọn sừng rồi tẩm a xít hay nước tiểu vào để tăng độ buốt của đòn.

An toàn là trên hết

Vòng chung kết lễ hội chọi trâu năm nay diễn ra với 16 cặp đấu của các phường Ngọc Hải, Ngọc Xuyên, Vạn Sơn, Vạn Hương, Minh Đức và Hợp Đức của quận Đồ Sơn. Theo phong tục, những con trâu bị loại sẽ là vật tế thần ngay tại trận và bán cho khách thập phương. Mấy năm nay, giá thịt trâu chọi lên tới 300.000-500.000 đồng, có năm lên tới 700.000 đồng/kg. Một cảnh tượng quen thuộc diễn ra tại lễ hội chọi trâu là trong khi ở sân các cặp trâu đang đấu nhau quyết liệt thì ở ngoài chợ Đồ Sơn đã bán đầy thịt các con trâu thua cuộc có đánh số hẳn hoi. Cùng với dịch vụ bán thịt trâu chọi, dịch vụ phim chọi trâu cũng được người dân địa phương nhanh nhảu đáp ứng cho khách. Vừa kết thúc lễ hội là các cửa hàng băng đĩa ở Hải Phòng đã bán đầy băng đĩa quay những cảnh húc nhau nảy lửa của các “ông trâu”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Minh Tuấn, Phó Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch quận Đồ Sơn, cho biết năm nay công tác an toàn cho lễ hội sẽ được đặt lên hàng đầu. Ngoài lực lượng công an quận, ban tổ chức còn huy động thêm lực lượng công an TP và lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ lễ hội.

Những trò đỏ đen ăn theo

Lễ hội chọi trâu truyền thống ở Đồ Sơn vài năm nay đã bị một số tay cờ bạc lợi dụng biến thành những trò cá độ, sát phạt đỏ đen. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số tiền đặt cược cho một trận chọi trâu có thể lên tới 20-30 triệu đồng. Có hai loại cá độ khác nhau. Kiểu “đánh nóng” là đặt tiền chọn trâu theo cảm tính trước khi chúng “ra trận” tại 2 cửa Bắc và Nam. Kiểu này chỉ dành cho các tay chơi không nắm được lai lịch trâu. Dân Hải Phòng rất ít khi chơi theo kiểu này mà thường tìm đến chủ trâu để tìm hiểu, quan sát trước rồi mới quyết định đặt tiền độ- kiểu này gọi là “đánh nguội”. Lúc đó, chủ trâu sẽ là người “cầm cái”. Cũng có trường hợp chủ trâu này cá độ với chủ trâu khác.

Những tay cá độ đất cảng cho biết dân chơi bây giờ rất tinh ranh, trước khi cá độ trận nào họ đều dò la tình hình về đối thủ rất kỹ. Vì thế, chuồng trại nuôi trâu chọi được xây rất cẩn thận, kín cổng cao tường để đề phòng những tay chơi xấu lẻn vào thuốc hay làm hại trâu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo