Chính quyền huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (gọi tắt là Công ty Phúc Sơn) tạm dừng hút cát ở khu vực biển gần xã Đại Lãnh do người dân nhiều lần kéo ghe, thuyền đến bao vây các sà lan, xáng cạp phản đối.
Dân mất nguồn thu, nhà sạt lở
Người dân thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh cho biết theo quy luật tự nhiên, vào tháng 10-12 hằng năm, sóng biển rút hết cát dọc bãi biển Đại Lãnh, đến tháng 3-4 thì bồi cát trở lại cao gần bằng nền nhà. Tuy nhiên, năm nay đã đến tháng 8 nhưng cát không bồi trở lại khiến nhà cửa sụt lún. Người dân cho rằng việc hút cát biển là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Đứng trước căn nhà mới xây bị sạt lở, bà Phan Thị Lịch (ngụ thôn Đông Nam) bức xúc: “Khoảng tháng 6-2014, các sà lan của Công ty Phúc Sơn vào hút cát 24/24 giờ. Đến tháng 10-2014, sà lan tạm ngừng hoạt động vì biển động mạnh. Chỉ 4 tháng khai thác cát mà đời sống người dân đều đảo lộn. Cát ven biển bị rút dần, không thể bồi đắp lại như quy luật tự nhiên. Căn nhà tôi mới xây nhưng hở móng, phải đắp thêm 5 bậc cấp bằng bao xi măng mới vào được nhà. Nhiều nhà khác, đường giao thông cũng bị sụt lún, hở hàm ếch”.
Hàng trăm hộ dân trong thôn lâu nay sống bằng nghề thả chà bắt tôm hùm con, đi biển đánh bắt cá để trang trải cuộc sống. Theo ông Đặng Văn Sang (ngụ cùng thôn), khi đến hút cát, công ty chỉ thông báo qua loa rồi thu hết chà, lưới. Tôm cá đi sạch, nghề bắt tôm hùm coi như xóa sổ, người dân mưu sinh rất khó khăn.
Quá bức xúc, vào ngày 1 và 2-8, khi thấy 6 sà lan, 3 đầu kéo của Công ty Phúc Sơn quay lại hút cát, hàng chục người dân xã Đại Lãnh đi 27 chiếc ghe, thuyền kéo đến bao vây, ném gạch đá để phản đối, làm vỡ 4 tấm kính chắn gió của sà lan. Gần 30 phụ nữ, trẻ em còn kéo đến UBND xã Đại Lãnh phản đối tàu hút cát.
Bên xây kè, bên hút cát
Từ năm 2013, theo đề nghị của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa, Chính phủ đồng ý giao cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc tận thu cát nhiễm mặn trong quá trình thực hiện dự án nạo vét luồng tại vịnh Vân Phong; chịu trách nhiệm bảo đảm môi trường, không gây sạt lở bờ biển và không ảnh hưởng đến các dự án kinh tế, du lịch cũng như việc sản xuất của ngư dân. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án.
Đến ngày 30-6-2014, Bộ Xây dựng đồng ý với kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa. Việc xuất khẩu hơn 23,3 triệu m3 cát tận thu từ dự án này thực hiện từ ngày 30-6-2014 đến ngày 10-6-2017. Phạm vi dự án kéo dài trên 12 km dọc bờ biển thuộc các xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh; diện tích trên 827 ha, cách bờ 150 m...
Về dự án này, ông Hà Sang (ngụ thôn Đông Nam) thắc mắc: “Khu vực mà dự án triển khai là khu hứng sóng biển, cá tôm nhiều nhưng không thể neo đậu trú tránh bão. Nơi đây lại cách xa cảng Đại Lãnh, không nằm trong vịnh Vân Phong, tàu thuyền ít đi lại, không hiểu sao lại nạo vét ở đây?”.
Liên quan đến những vụ sạt lở mà người dân phản ánh, khu vực biển xã Đại Lãnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây kè với tổng mức đầu tư dự án là 135 tỉ đồng. Ông Trần Kim Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, khẳng định huyện đang bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, dự kiến cuối tháng 8 sẽ khởi công xây dựng trước một đoạn dài 300 m, vốn khoảng 7,8 tỉ đồng.
Về dự án hút cát, theo ông Phan Văn Vị, đại diện Công ty Phúc Sơn, số cát tận thu sẽ xuất khẩu sang Singapore. Tổng khối lượng cát khai thác ước đạt 45,592 triệu m3, thực hiện từ năm 2014-2023, doanh thu dự kiến khoảng 2.754 tỉ đồng. Trong đó, chi phí khai thác 2.033 tỉ đồng, thu ngân sách 567,5 tỉ đồng. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện dự án mới triển khai giai đoạn đầu theo cấp phép từ Bộ Xây dựng là 23,3 triệu m3 cát. Tuy nhiên, mới khai thác được 400.000 m3 thì bị dân phản ứng.
Ông Phan Văn Vị cho rằng công ty làm đúng trình tự quy định; vị trí khai thác cách xã Đại Lãnh 8-9 km. Công ty đã theo dõi mức độ sạt lở ở nơi khai thác cát, do vậy, nói việc nạo vét ảnh hưởng đến xã Đại Lãnh là không có cơ sở. Tuy nhiên, trước mắt, công ty sẽ tạm dừng việc khai thác cát, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Xem xét lại hiệu quả dự án
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa - cho biết trong cuộc họp giao ban tỉnh ủy mới đây, bí thư Tỉnh ủy đã đề nghị UBND tỉnh giao các ngành chức năng phối hợp với chủ đầu tư xem xét lại mục tiêu, hiệu quả thực hiện dự án, các thủ tục thực hiện dự án. Đặc biệt, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường xem có gây sạt lở hay không, có ảnh hưởng đến người dân trong vùng dự án hay không.
Bình luận (0)