Ngày 21-12, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) lại tiếp tục tổ chức hội thảo “Quốc phục Việt Nam” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý.
Ngượng vì mặc “đồ Tây”
“Dấu hiệu đầu tiên để phân biệt người quốc gia này với quốc gia khác là y phục và ngôn ngữ. Ngôn ngữ của chúng ta đã rõ ràng nhưng y phục còn là vấn đề lớn” - nhà văn Hoàng Quốc Hải phân tích. GS Hoàng Chương cũng cho rằng vì nhiều nguyên nhân mà bản sắc văn hóa dân tộc Việt ngày càng bị mai một và mờ nhạt, thậm chí mất hẳn giá trị, trong đó có lễ phục.
GS Chương kể lại câu chuyện không vui mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa chia sẻ cách đây ít ngày: Trong đêm văn nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức vào 14-12, cả Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh rất ngượng vì ông Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc mặc lễ phục Hàn, còn ta lại mặc “đồ Tây”. Theo GS Chương, đây là hệ quả của việc lâu nay, nước ta chưa quan tâm đến lễ phục. Vì vậy, đã đến lúc phải có tiêu chí về lễ phục, làm rõ lễ phục Việt Nam là gì.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, người nhiều lần tham gia Hội đồng xét chọn quốc phục Việt Nam, cho biết đến nay chưa có quốc phục là do chưa định hướng được việc sử dụng quốc phục. Trong dự kiến, phần lớn mẫu quốc phục nữ sử dụng áo dài, khăn xếp; trang phục nam thì hướng về áo dài khăn đóng theo kiểu cổ, có cảm giác không còn phù hợp với cuộc sống mới, người mặc không thể hiện được sự trang nghiêm, trang trọng. Một số mẫu quốc phục khác lại theo hướng complet của châu Âu từ cuối thế kỷ XIX nên không có đặc trưng Việt.
“Chín người mười ý”
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho rằng việc thiết kế lễ phục nhằm khẳng định bản sắc và vị thế độc lập của Việt Nam là hết sức cần thiết. Thế nhưng, việc chọn quốc phục lại không phải là chuyện đơn giản.
TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nhấn mạnh rất khó đưa ra tiêu chí chọn quốc phục. Theo ông, phải làm rõ tiêu chí mới mong chọn được lễ phục Việt Nam. “Để đưa ra được các tiêu chí, cần phải có thảo luận sâu trong nhóm chuyên gia trang phục trên tinh thần hợp tác, cầu thị, thẳng thắn và cởi mở, không định kiến và tâm huyết cùng nhau đi đến kết quả cuối cùng” - ông Chức đề xuất. GS Hoàng Chương đưa ra quan điểm nên phát triển quốc phục theo hình mẫu trang phục truyền thống khăn đóng áo dài, còn chít khăn gì, đội mũ nào cho đẹp hơn sẽ tiếp tục bàn thêm.
Trong khi đó, ông Trần Khánh Chương cho rằng phải có 2 trang phục quốc gia: Dành cho lãnh đạo Nhà nước trong những ngày lễ lớn, đối ngoại và cho những lễ hội truyền thống. Ông Chương đề xuất quốc phục cho nam giới nên hướng về complet để nghiên cứu và thiết kế với những đặc điểm riêng như hình dáng và độ dài, rộng của cổ áo, số lượng nút áo… cùng với đó là thiết kế cà vạt, kẹp cà vạt. Đối với quần, cũng cần quy định độ dài, độ rộng của ống, các túi và màu sắc. Về quốc phục nữ, ông Chương nhất trí với quan điểm phát triển từ áo dài truyền thống. Tuy nhiên, cũng như trang phục nam, cần thiết kế riêng từ độ cao và rộng của cổ áo đến độ dài và rộng của tay, đặc biệt là màu sắc và hoa văn trên áo cần thống nhất… Ông Chương gợi ý: Cần có quy định thêm về đối tượng, thời điểm mặc quốc phục.
Bình luận (0)