Theo nhận định của ngành khí tượng thủy văn, đỉnh lũ năm nay có thể sẽ đạt mức báo động 3 là 4,5 m. Nhờ công tác chuẩn bị, ứng phó với lũ được chủ động nên người dân không quá lo ngại, thậm chí mừng nhiều hơn lo vì sẽ được… hưởng lợi từ lũ.
Chủ động ứng phó
Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ chuyên trách Phòng NN-PTNT thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, cho biết hầu hết các huyện đầu nguồn đều có kế hoạch chủ động đối phó với lũ.
Hơn 10.000 ha lúa hè thu gần như đã thu hoạch xong, không hề bị ảnh hưởng của lũ. Ngoài ra, các trạm bơm điện, tuyến đê bao đang được kiểm tra để chuẩn bị xuống giống vụ thu đông (vụ 3, nằm trọn trong mùa lũ).
Ông Huỳnh Thanh Phong, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Phú, nhận định: “Tình hình sản xuất ở vùng biên giới khá ổn định. Hầu hết các diện tích lúa và rau màu cơ bản thu hoạch dứt điểm. Bà con rất phấn khởi và đang tập trung xuống giống vụ 3”.
Mùa lũ năm nay, huyện An Phú vừa hoàn tất kiên cố hệ thống đê bao, 85 cống đập, lắp đặt 125 trạm bơm điện, phục vụ tưới tiêu, chống úng cho hơn 3.500 ha lúa vụ 3 của 10 tiểu vùng đê bao chống lũ bảo đảm an toàn cho bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Hiện Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh An Giang đang cùng lực lượng quân đội, biên phòng, Hội Chữ thập đỏ tập huấn nâng cao năng lực PCLB, tìm kiếm cứu nạn tại 5 địa bàn trọng điểm gồm: An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Thành và Châu Phú.
Đồng thời diễn tập cứu hộ, cứu nạn tại 52 điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, dông lốc để kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp trong mùa mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng người dân.
Lũ về, cuộc sống người dân nghèo cũng được cải thiện đáng kể
Còn ông Nguyễn Văn Buôn, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết người dân hết sức phấn khởi đón lũ về. Huyện đã đầu tư khoảng 12 tỉ đồng để làm bờ bao mới. Hiện nay, diện tích lúa vụ 3 trên địa bàn huyện tăng lên 4.000 ha, trong đó có hơn 3.000 ha mới. Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Đồng Tháp, đã yêu cầu các địa phương khẩn cấp di dời gần 2.700 hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm vào các cụm tuyến dân cư vượt lũ.
“Mặc dù ở một số cụm – tuyến dân cư chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng vẫn đưa dân vào ở vì diễn biến của nước lũ vùng đầu nguồn đang về mạnh và nhanh. Chúng tôi đã chỉ đạo xuyên suốt phải giúp dân ổn định chỗ ở, cuộc sống và nhất là bảo đảm an toàn tính mạng là trên hết” – ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết.
Hưởng lợi từ lũ
Cũng theo UBND tỉnh Đồng Tháp, mùa lũ năm nay, các huyện đầu nguồn tổ chức 336 nhóm giữ trẻ cộng đồng, bảo đảm an toàn cho gần 6.000 trẻ trong vùng lũ. Các địa phương đã xây dựng 462 đội cứu hộ, cứu nạn với 4.200 thành viên, trong đó có 250 đội cứu hộ, cứu nạn túc trực tại các điểm xung yếu.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết mùa lũ năm nay được dự báo sẽ đạt báo động III và sẽ là một “mùa lũ đẹp”.
Ông Nhị phân tích: “Mùa lũ ở ĐBSCL không như những nơi khác, là lũ hiền hòa nên còn gọi là mùa nước nổi. Lũ về mang theo tôm cá, sản vật dồi dào giúp một bộ phận dân nghèo chuyên sống bằng nghề đánh bắt trong mùa lũ có thêm sinh kế”.
Cũng theo ông Nhị, việc nước lũ nhiều và sớm còn là tín hiệu đáng mừng cho môi trường, hệ sinh thái của vùng ĐBSCL vẫn được bảo đảm an toàn.
Chuẩn bị đánh bắt cá khi các con nước vừa về ở tỉnh Đồng Tháp
Trước đây có rất nhiều lo ngại rằng ĐBSCL sẽ đối mặt với “lũ kiệt”, “lũ lệch”, “lũ chụp”, “lũ kép” do dòng nước bị ngăn chặn, tích trữ từ phía thượng nguồn bị xả lũ bất ngờ, không báo trước.
Khi đó sẽ thật sự là thảm họa đối với người dân ở hạ nguồn, mà đặc biệt là ĐBSCL. Mặt khác, nước lũ về đúng theo chu kỳ sẽ ngăn chặn được tình trạng xâm nhập mặn đang uy hiếp, đe dọa ngày càng nghiêm trọng lên vựa lúa miền Tây vừa rửa sạch đồng ruộng, bồi đắp phù sa.
“Theo kinh nghiệm cho thấy năm nào lũ nhiều thì mang theo nhiều phù sa và tôm cá. Nhờ đó, xã hội cũng có nhiều món ngon, đặc sản của mùa lũ để thưởng thức” - ông Nhị chia sẻ.
Quả thật, mùa lũ với người dân vùng đầu nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp không còn là nỗi lo mà trở thành niềm vui được chờ đón. Năm rồi lũ thấp, 24 ha nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp không đạt hiệu quả.
Mùa lũ năm nay về sớm, rất nhiều bà con đã đăng ký nuôi tôm càng xanh với trên 30 ha. Lũ tràn vô đồng mang theo nguồn thức ăn dồi dào cho tôm càng xanh, giảm đáng kể chi phí thức ăn, lại tẩy rửa đồng ruộng, làm trôi hết các mầm bệnh sau vụ mùa sản xuất.
Khai thác lợi thế mùa nước nổi
Cũng như nhiều địa phương khác, từ nhiều năm qua, các xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hanh, Cần Đăng… thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã khai thác rất tốt lợi thế mùa nước nổi để nuôi trồng thủy sản và trồng các loại cây thủy canh.
Năm nay, người dân trồng hơn 23 ha ấu, 27 ha rau nhút, 49 ha sen và nhiều loại cây thủy canh khác như rau muống, bông súng… Riêng nông dân xã Vĩnh Bình đã tận dụng diện tích đất quanh nhà, đất bờ đê để trồng hơn 7 ha điên điển hiện đã bẻ bông bán hằng ngày, thu nhập rất khá.
Châu Thành cũng là địa phương nổi tiếng với nghề nuôi lươn… trên cạn với hơn 1.000 hộ trong mùa nước nổi năm nay.
Tận dụng lợi thế mùa nước nổi, hơn 400 hộ dân ở thị xã Tân Châu cũng đã xây bồn trên diện tích đất trống xung quanh nhà để nuôi lươn trên cạn. |
Bình luận (0)