Không giống những nơi khác, Phú Yên có những cây cầu gỗ dài đến gần nửa cây số, bắc qua các đầm, vịnh hay những con sông lớn. Và không năm nào người dân tỉnh này lại không nghe chuyện sập cầu.
Giấc mơ ngày xưa
đưa con đi học mẫu giáo trên chiếc cầu gỗ lắt lẻo, chông chênh
Khi ông Nguyễn Xuân Thọ cùng một số bạn bè từ TP Nha Trang (Khánh Hòa) đầu tư hơn 300 triệu đồng xây cây cầu gỗ dài gần 500 m, người dân mừng không xiết. Có lần cầu xây chưa xong nhưng nước sông xuống nhiều, cuốn cả ván cầu ra biển. Không ai bảo ai, thanh niên cả 4 thôn phía Bắc của xã An Ninh Tây rủ nhau bơi ra biển để vớt lại ván cho người xây cầu vì sợ họ bỏ dở. Khi cầu vừa xây xong, cả xóm từ người già đến trẻ con đua nhau…tập xe đạp.
Được xây trước cầu gỗ Miếu Ông Cọp 2 năm, cầu gỗ xã An Hải (huyện Tuy An) bắc qua đầm Ô Loan được đưa vào sử dụng đầu năm 1998. Chỉ đến khi ấy mới chấm dứt được cảnh học sinh cấp 3 phải đạp xe hơn 50 km vào TP Tuy Hòa để học, trong khi xã chỉ cách Trường THPT Trần Phú nằm ở trung tâm huyện Tuy An chưa đến 8 km đường chim bay.
Nỗi ám ảnh hôm nay
Ông Nguyễn Tấn Nùng, Trưởng thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, người hiểu rất rõ cây cầu, từng trải qua cảm giác từ vui mừng đến lo âu với cây cầu này bảo: “Cây cầu đã quá già rồi. Chân cầu đã mục nát. Mùa lụt chắc chắn sẽ không chịu nổi”. Ông tính nhẩm: “Từ ngày khánh thành đến giờ đã 7 lần sập. Bốn năm nay, không mùa lụt năm nào cây cầu không bị sập”. Trận lụt lịch sử năm 2009, nước cuốn trọn cây cầu ra biển. May mắn là những lần sập cầu đều xảy ra ban đêm, không có người qua lại.
Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, cây cầu này đã quá già. Trong khi đó, vì có cây cầu bê tông đang xây dựng kéo dài nhiều năm ở gần đó nên người chủ cây cầu gỗ không chịu tu sửa do không biết khi nào sẽ phải tháo dỡ đi. Cây cầu vì thế càng yếu, càng nguy hiểm hơn mỗi khi người qua lại.
Năm năm xây cầu chưa xong
Liên tục xảy ra sự cố sập cầu, một số người dân ở các xã An Hải, An Ninh Tây lo sợ nên trở lại với phương tiện qua sông cũ là đò ngang. Mỗi chuyến qua đò, chi phí cao gấp 5 lần qua cầu gỗ, thời gian cũng dài hơn. “Nhưng có chìm đò còn bơi được, chứ cầu sập chắc gì còn sống” - anh Trần Thế Phong, một người khách qua đò An Hải nói.
Ông Nguyễn Tấn Nùng cho biết những năm qua, trong các cuộc tiếp xúc của HĐND các cấp cũng như các đại biểu Quốc hội, người dân đều đề đạt nguyện vọng có được cây cầu bê tông để an toàn khi qua lại. “Nhưng người dân chờ mãi vẫn không thấy cầu bê tông ở đâu” - ông Nùng buồn bã. Còn cầu An Hải, đầu tư 33 tỉ đồng, ì ạch xây dựng từ năm 2007 đến nay vẫn chưa xong. “Họ bảo xây 15 tháng là xong nhưng đã 5 năm qua, thay thế 3 nhà thầu xây dựng mà người dân vẫn phải đi đò”- ông Nguyễn Văn Danh nói.
Ưu tiên thay thế 3 cầu gỗ Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, trong lộ trình phát triển hệ thống cầu đường của tỉnh này trong 5 năm đến, có 3 cây cầu gỗ cần phải được thay thế bằng cầu bê tông. Đó là cầu An Hải, cầu Vũng Lắm bắc qua Khu Du lịch Bãi Tràm (thị xã Sông Cầu) và cầu Miếu Ông Cọp. Trong đó, cầu An Hải buộc nhà đầu tư phải hoàn thành trong năm nay, cầu Vũng Lắm đã hoàn thành thiết kế với chiều dài hơn 250 m, kinh phí xây dựng trên 50 tỉ đồng, sẽ khởi công vào năm 2013. Cầu gỗ Miếu Ông Cọp cũng sẽ được thay thế bằng cầu bê tông vào năm 2016. “Đây là những cây cầu gỗ có nhiều người qua lại, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, cần phải được xây sớm” - ông Trí nói. |
Bình luận (0)