Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận vấn đề nợ công tăng cao, công tác chống tham nhũng và lãng phí chưa đạt yêu cầu. Chính phủ cũng đưa ra cơ chế mua sắm công sản phải tập trung về một đầu mối để tránh lãng phí được bắt đầu từ tháng 4-2016. Chỉ riêng mảng này, mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách 30.000 tỉ đồng.
Những vấn đề trên một lần nữa vẽ lên bức tranh màu xám của việc thu chi ngân sách quốc gia. Lãng phí là một trong những căn bệnh trầm kha, chính nó đã làm mất đi ý nghĩa của bao nỗ lực phát triển đất nước. Làm ra một đồng trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế gay gắt rất khó khăn nhưng đã có không ít nơi vẫn phớt lờ thực tế này, thản nhiên vung tay mua sắm trong khi đất nước còn nghèo.
Yêu cầu tiết kiệm đã được đặt ra từ lâu và nỗi lo ngân sách quốc gia bị thâm thủng luôn thường trực nhưng dường như rất nhiều cán bộ ở các cấp khác nhau không mấy động tâm, vẫn xem việc mua sắm thả ga là quyền hiển nhiên và cần phải làm, cấp bách hơn những chuyện quốc gia đại sự. Làm sao có thể chấp nhận mỗi năm các địa phương trên cả nước có thể sắm cả ngàn chiếc ô tô đời mới dưới danh nghĩa phục vụ công tác. Còn bao thứ mua sắm tùy tiện, bao đề án viển vông tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng tại các địa phương cứ trình Chính phủ mà không chút ngượng ngùng. Không ít cán bộ đã biến việc công thành cơ hội để trục lợi, để được sống xa hoa vì tư tưởng “làm quan, hưởng lộc”, vì biết tuổi quan trường không dài nên phải tranh thủ...
Chúng ta đã có luật, có nhiều quy định chặt chẽ đối với việc chi tiêu ngân sách. Thế nhưng, thực trạng lãng phí vẫn diễn ra chính là do thực hiện không nghiêm. Tình trạng lãng phí tại các địa phương, các bộ - ngành đã không được xử lý đến nơi đến chốn, thậm chí chỉ làm cho có nên đã trở nên nhờn. Bao nhiêu lần Chính phủ cấm cán bộ dùng xe công vào việc riêng nhưng xe công vẫn ào ào đi lễ hội, du lịch… mà có mấy ai bị xử lý? Có cảm giác việc chống lãng phí chỉ hô hào, nghe chứ không thấy làm bởi hầu như nơi đâu cũng có lãng phí, kể cả những cơ quan có trách nhiệm chống lãng phí!
Còn gì kệch cỡm hơn khi các cán bộ ngồi trong những tòa nhà hành chính nguy nga nhưng làm việc thì chẳng đến đâu; người dân mỗi khi có việc cần phải vất vả, quỳ lụy mới được giải quyết. Còn gì phản cảm hơn khi cán bộ đi ô tô cả tỉ bạc đến trao căn nhà tình thương cho người nghèo, trao vài trăm ngàn đồng học bổng cho những học sinh chưa có nổi tấm áo lành đến lớp. Đây chính là sự biến chất của không ít cán bộ mà chỉ có sự nghiêm khắc của pháp luật, sự mạnh tay của các cơ quan có trách nhiệm mới giải quyết được. Bằng không, gánh nặng trả nợ sẽ oằn vai người dân, sẽ cản đường tương lai của các thế hệ tiếp theo
Bình luận (0)