Được sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đã thuê đơn vị tư vấn là Công ty Royal Haskoning (Hà Lan) thực hiện nghiên cứu “Đánh giá quy hoạch thủy lợi chống ngập khu vực TPHCM của Bộ NN-PTNT” .
Bỏ qua nhiều nguy cơ
Quy hoạch chống ngập của Bộ NN-PTNT được gọi tắt là quy hoạch 1547. Theo đơn vị tư vấn, quy hoạch 1547 tập trung quản lý nguy cơ lũ hơn là rủi ro ngập nên các biện pháp quản lý tác hại do ngập lũ chưa được xem xét. Bên cạnh đó, các thiệt hại ngập có thể tăng lên do lún đất chưa được tính đến.
Nhiều tuyến đường ở TPHCM thường bị ngập nặng mỗi khi có mưa lớn hoặc triều cường. Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Đơn vị tư vấn đề nghị Bộ NN-PTNT nên kiểm tra lại thiết kế tuyến đê: quy mô, cao trình, mức lún đất dự kiến… Quy hoạch đề xuất xây dựng các cống ngăn triều trên sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Mặc dù đánh giá ban đầu cho thấy tác động tích cực của các cống này trong việc giảm nguy cơ ngập triều nhưng tác động bất lợi đến môi trường và giao thông thủy, cũng như nhiều khó khăn thấy trước của quá trình thi công.
Ngoài ra, hai nguy cơ thủy văn khá nghiêm trọng là xả lũ từ hồ Dầu Tiếng (trên sông Sài Gòn), Phước Hòa (trên sông Bé) và Trị An (trên sông Đồng Nai) chưa được tính toán trong quy hoạch. Bên cạnh đó, nguy cơ thủy văn từ sông Vàm Cỏ (dẫn lũ từ sông Mê Kông) cũng chưa được đề cập. Đặc biệt, sau khi quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã có thêm các phân tích bổ sung về việc xả lũ hồ Dầu Tiếng cũng như nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu lên nguy cơ thủy văn từ các hồ nhưng chưa được bổ sung vào quy hoạch.
Vì thế, quy hoạch 1547 không được xem là quy hoạch quản lý rủi ro một cách hoàn chỉnh.
Khả thi về mặt kinh tế nhưng...
Tổng kinh phí dự án khoảng 750 triệu USD, trong đó cống ngăn triều chiếm 47%, đê bao 29%, cải tạo hệ thống kênh tiêu 17% . Các tính toán cho thấy dự án khả thi về mặt kinh tế nhưng các tác động về môi trường, xã hội và giao thông thủy chưa được tính đến nên chi phí bồi thường chưa được tính vào kinh phí dự án.
Quy hoạch của Bộ NN-PTNT chỉ mang lại hiệu quả thực sự cho khu vực phát triển đô thị sau giai đoạn 2020- 2025. Vì thế, đơn vị tư vấn cho rằng Bộ NN-PTNT nên thực hiện nghiên cứu đánh giá kinh tế dự án về vốn, thời điểm khởi công thực hiện các công trình khác nhau. Tư vấn đề xuất 3 khung thời gian chiến lược: 2025 , 2050, 2100. Qua đó cho thấy, quy hoạch phù hợp với khung chiến lược từ 2050 -2100.
Đơn vị tư vấn cũng đề xuất Bộ NN-PTNT nên chia TPHCM thành hai tiểu vùng vì mỗi vùng sẽ áp dụng biện pháp quản lý rủi ro khác nhau. Tiểu vùng 1 tương ứng với khu vực phát triển đô thị theo quy hoạch chung của TP đến năm 2025. Tiểu vùng này sẽ áp dụng phương án quản lý ngập lũ theo quy hoạch 1547, còn việc quản lý ngập lũ cho tiểu vùng còn lại phải được nghiên cứu, đánh giá bổ sung.
Từ các phân tích trên, đơn vị tư vấn kiến nghị TPHCM không nên bắt đầu thi công công trình theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT trước khi có những tính toán, nghiên cứu bổ sung.
Chờ ý kiến của UBND TP
Quy hoạch 1547 còn gọi là dự án kiểm soát triều được Chính phủ phê duyệt ngày 15-10-2008 trên cơ sở đề xuất của Bộ NN-PTNN. Dự án sẽ xây dựng 12 cống ngăn triều với khoảng 170 km đê bao, hiện đang trong giai đoạn thiết kế và chuẩn bị thi công. Theo thiết kế, dự án sẽ chia TPHCM thành ba tiểu vùng để chống ngập: vùng A, nâng cấp hệ thống thoát nước và công trình chống ngập; vùng B, cải tạo hệ thống kênh rạch và sân nền cục bộ các địa điểm cao trình trên +2.0 m; vùng C, sẽ áp dụng các biện pháp phi công trình.
Ngày 2-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết đã báo cáo những kiến nghị và đề xuất của Công ty Royal Haskoning lên UBND TP. Sau khi TP có ý kiến, trung tâm sẽ tham mưu để có những quyết định cụ thể.
Bình luận (0)