Trời cũng cảm thông.- Chiều 23-9, ở Trung tâm Dạy nghề thiếu niên TPHCM (14 Nguyễn Văn Bảo, P.4, Q. Gò Vấp) không khí khác hẳn thường ngày. 3 giờ chiều, trời mưa như trút, không ai bảo ai, cả ban tổ chức đều cầu cho mưa tạnh. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Dường như hiểu được nỗi lo lắng và niềm mong ước của các em, 17 giờ mưa tạnh dần. Em Trần Như Hảo (12 tuổi), một học sinh của trung tâm, mừng rơn nói: “Vui quá, chiều mưa thì tối không mưa nữa. Vậy là chúng em sẽ được đốt lồng đèn và vui chơi thỏa thích rồi. Có lẽ chú Cuội, chị Hằng cũng thương chúng em nên xin trời tạnh mưa...”.
Cơn mưa chiều, nước vẫn còn đọng lại từng vệt loang lổ trên các khoảng sân. Mới 17 giờ 30, nhiều đoàn đã có mặt. Các em ở Làng trẻ SOS đến sớm nhất, theo lời cô phụ trách thì: “Các em nóng lòng muốn đi nên chúng tôi đi sớm vì sợ kẹt xe lỡ cuộc vui các em”. Như kế hoạch tổ chức đêm hội, 1.000 suất cơm của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP cũng đã nhanh tay chuyển đến cho các em.
Trung thu là gì ạ?.- Trong số những em được đến tham dự lễ hội, có nhiều em chưa một lần được biết đến Tết Trung thu. Thật thương khi em Trương Tuấn Vũ thuộc Mái ấm Ánh Sáng hỏi anh Hải, phụ trách mái ấm: “Chúng con đến đây làm gì ạ?”. Anh Hải giải thích: “Con đến vui trung thu cùng các bạn”. “Trung thu là gì ạ?” - Vũ hỏi lại. Được biết Vũ vừa đến mái ấm được 2 tháng. Trước đây em đi lượm ve chai và chưa hề biết chữ.
Trong thời gian chờ đợi “Tuần hội Trung thu” mở màn, các em được các anh chị hoạt náo viên của Công ty Dã ngoại Lửa Việt tổ chức trò chơi lớn. Không khí như tưng bừng và nóng hẳn lên. Đến 19 giờ, không khí lễ hội đã lan tỏa khắp trung tâm. Bóng đêm chùng xuống và ông trăng đã ló mặt ra cười. Trong ngàn đứa trẻ, chợt ồ lên một tiếng: “Chúng mày ơi, trăng sáng rồi!”. Các hoạt động càng lúc càng tưng bừng, nhộn nhịp hòa cùng tiếng cười ánh mắt tươi vui của bọn trẻ. Một ngàn giọng ca cùng hòa nhịp với bài ca Tết Trung thu. Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Tín, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, xúc động nói: “Được gặp các em, đó là niềm hạnh phúc của các cô chú. Bác Hồ dạy rằng “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, các em là những mầm non của đất nước, xứng đáng được hưởng những yêu thương và chăm chút của thế hệ đi trước. Niềm vui của các em cũng là niềm xúc động lớn lao của ban tổ chức. Báo Người Lao Động xin chân thành cảm ơn các nhà hảo tâm, các đơn vị tài trợ đã cùng chúng tôi “chung tay góp sức” tổ chức các đêm hội trung thu đặc biệt cho hàng ngàn thiếu nhi có hoàn cảnh không may, giúp các em không có điều kiện cùng vui đón Tết Trung thu như các bạn cùng trang lứa...”.
Rộn rã rước đèn.- Khu vực dưới sân khấu, các em say sưa vỗ tay cổ vũ các ca sĩ đang hát hết mình với những bài ca quen thuộc. Nhưng có lẽ, giây phút chờ đợi nhất của các em vẫn là rước đèn cùng chú Cuội, chị Hằng. Khi chị Hằng, chú Cuội xuất hiện, mọi ánh mắt no tròn hướng về sân khấu. Trong tiếng nhạc vui tươi, từng gói bánh, từng chiếc lồng đèn được thắp lên. Các cô chú trong ban tổ chức lúc này mới thở phào nhẹ nhõm và cùng rước đèn với các em. Đến 22 giờ đêm, lễ hội vẫn tiếp diễn, nhưng cuộc vui nào rồi cũng phải chia tay, các em lần lượt xếp hàng lên xe ra về trong sự luyến tiếc.
Chúng tôi thầm cầu mong trong giấc ngủ của các em đêm nay gặp được chị Hằng, chú Cuội...
Bình luận (0)