Đây được ghi nhận là vụ kiện đầu tư quốc tế đầu tiên mà Việt Nam giành thắng lợi thông qua đàm phán của Hội đồngTrọng tài quốc tế, góp phần xây dựng hình ảnh và môi trường đầu tư ở đất nước vốn quen “đóng cửa bảo nhau”.
Hội nhập quốc tế, tham gia hầu hết các hiệp định thương mại đa quốc gia, chuyện phải hầu kiện trong các tranh chấp thương mại và đầu tư sẽ không còn là chuyện lạ. Vấn đề là tư thế chuẩn bị để đối phó với điều bình thường đó. Bài học trong vụ này là Chính phủ và các ngành chức năng không để doanh nghiệp hay địa phương “tự bơi”, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan đã cùng vào cuộc, tham gia tố tụng. Kết quả, Hội đồng Trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn, buộc South Fork phải bồi thường cho Chính phủ Việt Nam toàn bộ chi phí vụ kiện, trong đó có cả chi phí dịch vụ pháp lý và phí trọng tài. Ở một góc độ khác, trong vụ này, tỉnh Bình Thuận đã “ghi điểm” khi dám nói “không” với nhà đầu tư chỉ “xí đất” mà không đủ thực lực triển khai dự án. Điều này cũng mở ra tiền lệ là địa phương, doanh nghiệp có thể tự tin vào các quyết định của mình khi các chủ trương, chính sách được thực hiện minh bạch, không bị chi phối bởi lợi ích cục bộ; chặt chẽ trong các điều khoản ký kết các hợp đồng, hợp tác quốc tế...
Tính từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã đối mặt với trên 50 vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá và 4 vụ kiện chống trợ cấp đối với các sản phẩm xuất khẩu. Gần đây, sau bao năm đeo đuổi vụ kiện bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ, lần đầu tiên Việt Nam được xem là đã “thắng lợi một nửa” khi WTO đưa ra khuyến nghị về vụ việc cần được xem xét. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam dám sử dụng quyền của mình khiếu nại lên WTO, dù Mỹ là một trong những nước chủ chốt soạn thảo ra luật chơi toàn cầu này. Thắng lợi ban đầu cũng là kết quả của quyết tâm theo đuổi vụ việc đến cùng để đòi công bằng, sự phối hợp ăn ý giữa doanh nghiệp, hiệp hội, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam...
Hai vụ việc điển hình trên cho thấy hầu tòa quốc tế không còn là chuyện của riêng ai mà liên quan đến lợi ích, hình ảnh quốc gia. Để đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và đầu tư được dự báo sẽ ngày càng gia tăng cùng với tốc độ hội nhập sâu rộng, cần chuẩn bị hành trang kỹ càng. Đó là: Am hiểu luật pháp quốc tế; chặt chẽ trong ký kết hợp đồng, hợp tác đầu tư; phối hợp tốt giữa các bên liên quan như Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tiêu dùng và các nhóm lợi ích. Mặt khác, cần thay đổi tư duy hội nhập, minh bạch trong việc thực thi pháp luật để chủ động phòng vệ và tự tin đối phó với các vụ kiện quốc tế.
Bình luận (0)