Mục tiêu của chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là người dân trong việc thực hành vệ sinh phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây sang người. Cụ thể, qua đẩy mạnh công tác truyền thông, người dân tự giác thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, nêu cao ý thức trong việc phát hiện và thông báo sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm cho các cơ quan chức năng thuộc ngành y tế và nông nghiệp, phối hợp tích cực với ngành quản lý thị trường trong việc ngăn ngừa những hành vi buôn bán, nhập khẩu lậu gia cầm và các sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, tập quán chăn nuôi không hợp vệ sinh, thói quen ăn tiết canh, đồng thời thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân và vệ sinh trong việc chăn nuôi, giết mổ gia cầm. Các cấp, các ngành phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người tại cộng đồng.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch cúm gia cầm A(H7N9) đã và đang xảy ra tại một số nước trong khu vực: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tính đến ngày 25-3, đã ghi nhận 400 trường hợp mắc, 121 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết trên mắc là 30,5%. Chỉ tính riêng trong gần 3 tháng đầu năm 2014, tại Trung Quốc đã ghi nhận 253 trường hợp mắc, tăng gấp 1,6 lần so với cả năm 2013. Thêm vào đó dịch cúm A(H5N1) cũng đang có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm 2014 đến nay trên thế giới đã ghi nhận 12 trường hợp mắc, 5 trường hợp tử vong, phần lớn các trường hợp mắc ghi nhận tại Campuchia với 8 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong nâng tổng số trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên toàn thế giới từ năm 2003 đến nay là 661 trường hợp mắc cúm A(H5N1), có 390 trường hợp tử vong. Tại nước ta trong tháng 1-2014 cũng đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp và Bình Phước, trong khi đó hiện nay, chúng ta tiếp tục ghi nhận dịch cúm trên gia cầm tại nhiều địa phương trên cả nước và tiềm ẩn nguy cơ lây sang người.
Đặc biệt, tại các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long tập quán nuôi vịt chạy đồng là rất phổ biến, vẫn còn hiện tượng vứt xác gia cầm bệnh, chết trên các kênh rạch tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán, lây lan rộng, thêm vào đó, nhiều tỉnh biên giới có sự giao lưu du lịch, thương mại với Campuchia, là nước có số mắc cúm A(H5N1) trên người cao, có nhiều ổ dịch trên gia cầm, do đó việc kiểm soát dịch cúm gia cầm lây sang người càng khó khăn hơn.
Bình luận (0)