Tính mạng của người dân cũng đang bị đe dọa vì rất có thể đàn voi xâm nhập vào khu vực dân cư. Còn cơ quan chức năng thì lúng túng, chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu.
Khoảng 25 héc-ta hoa màu đã bị bầy voi chừng 15 con cày xới tan hoang. Chiều 12.7, khi chúng tôi đến chân núi Chư To, vợ chồng chị Nga ở thôn Yên Bình đang ngồi vuốt lại những cây ngô bị đàn voi rừng xéo nát.
Chị Nga nói trong nước mắt: "Ông" (voi rừng) về đã hơn tuần nay. Mới hôm qua, gần 10 "ông" tràn vào rẫy ngô 5 héc-ta sắp thu hoạch của gia đình tôi vặt trụi quả, giẫm nát cây. Thế là hết! Tiếc của, tối hôm qua hơn năm người trong xóm đến đây đốt lửa, khua xoong, nồi để đuổi "ông" đi. Đột ngột, nhiều tiếng rống rất gần vang lên rung động cả một góc rừng, xung quanh cây rừng gãy răng rắc. Mọi người hoảng loạn, băng rừng trốn chạy. Sáng nay, tôi ra thì thấy chòi rẫy của mình đã bị các "ông" lật xuống, mấy cây cột bị nhổ nằm chỏng chơ. Nhiều vết chân to tướng in hằn trên nền đất, có vết chân đường kính rộng hơn 40 cm".
Cùng nỗi đau với gia đình chị Nga còn có gia đình Bàn Nguyên Bản và Triệu Văn Khoang ở thôn 8, xã Ia Piơr. Gần 4 héc-ta ngô lai của 2 hộ dân này chẳng còn nguyên vẹn. Tại đây, nhiều người không dám ra thăm nương rẫy vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Đến đâu, người trong xã cũng nói chuyện voi rừng và hỏi nhau tối trước "ông" về đâu, phá rẫy của ai. Bầu không khí lo sợ đang bao trùm khắp các thôn, làng.
Mới hôm trước, gần chục trai làng bạo gan bàn nhau băng rừng tìm xem voi. Một số người bỏ cuộc vì không trụ nổi với cảnh băng rừng vượt suối vào mùa mưa. Năm người còn lại cũng tính "hạ sơn" thì bất chợt trên đường trở về, ngang qua một khoảng rừng sát chân núi Chư To, hơn chục con voi đang đầm mình dưới suối vùng dậy, hùng hổ lao tới. Cả đám người tháo chạy tán loạn. Thành, một thành viên trong nhóm chạy vấp gốc cây bị trật cả chân. Hai hôm nay Thành bị ốm, suốt ngày ám ảnh về "ông" voi.
Hoảng loạn vì voi rừng. Nhiều gia đình có ruộng, rẫy trong vùng rừng gần 800 héc-ta quanh chân núi Chư To, Chư Teo đành phải ngước mắt về phía bìa rừng, mong cho đàn voi đừng quay trở lại. Thế nhưng, đêm đêm, tiếng voi rống càng giày xé tâm can người dân vùng tam giác 3 huyện Chư Prông, Chư Sê (Gia Lai) và Ea H'leo (Đắk Lắk).
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Y Mới - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết: Vì chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống voi rừng kéo về phá hoa màu nên trước mắt chỉ có thể xua đàn voi ra càng xa diện tích trồng hoa màu, khu vực dân cư càng tốt. Mọi việc vẫn phải chờ kết quả thị sát của đoàn kiểm tra do Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiến hành.
Bình luận (0)