Thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước
Buổi lễ bắt đầu với chương trình nghệ thuật đặc biệt, ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu truyền thống văn hóa của dân tộc mà giá trị tập trung nhất là lòng yêu nước thiết tha, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, tinh thần khoan dung nhân ái, gắn kết cộng đồng... Chính nền văn hóa ấy là cội nguồn hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và là một nguồn gốc hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ra đi tìm đường cứu nước khi 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Chính cuộc hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt. Vì thế, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác...
Thời đại Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư nhấn mạnh công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh; thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Tổng Bí thư chỉ rõ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm đất nước đã trải qua gần 30 năm đổi mới, trong bầu không khí hào hùng và xúc động của những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, đặc biệt là kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng; 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Học Bác ở sự ân cần, giản dị
Theo TTXVN, tại lễ kỷ niệm, đại tá Trương Vĩnh Thăng - 83 tuổi, 60 năm tuổi Đảng, nguyên Hiệu trưởng Trường lái xe 255, Cục Ô tô máy kéo, Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng - bồi hồi xúc động nhắc lại những cảm xúc, kỷ niệm không bao giờ quên về những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Ông kể: “Tôi và bố tôi đều là bộ đội, cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và rất may mắn là cha con tôi đã được gặp Bác Hồ... Trong quá trình chiến đấu và công tác, tôi vinh dự 2 lần được gặp Bác. Đối với tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn lao và là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời... Những lần được gặp Bác Hồ luôn in sâu trong tâm trí tôi. Sự bao dung, những cử chỉ, lời nói ân cần, giản dị của Người nhưng lại có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với chúng tôi. Hai lần trực tiếp được lái xe phục vụ Bác, tôi đã thấm thía lời dạy của Bác, đó là phải luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công việc được giao và phải biết quan tâm đến người khác”.
Sinh viên Trần Hoàng Mỹ Linh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, bộc bạch: “Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để tuổi trẻ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân anh hùng và tri ân lớp lớp các thế hệ đi trước đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ, thế hệ trẻ Việt Nam nguyện phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của Đoàn, rèn đức, luyện tài, trở thành chủ nhân đáng tin cậy của đất nước, góp phần đưa đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời”.
Lãnh đạo Đảng, nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sáng 18-5, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người.
Dự lễ viếng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân...
Tiếp đó, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Cùng ngày, tại TP HCM, các đơn vị tiếp tục dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được Thành ủy TP HCM khánh thành, đặt tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước trụ sở HĐND - UBND TP (quận 1, TP HCM).
Bình luận (0)