Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: “Quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân” - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng nay 23-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào dự án Luật dược (sửa đổi). Đặt vấn đề quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: "Tại sao lại không cấp 1 lần mà 5 năm lại cấp lại? Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân”.
Tiếp vấn đề này, Người đứng đầu Quốc hội băn khoăn về việc tại sao phải đặt nhiều thủ tục để làm gì? “Để có tiền thì mới xong chứ sao nữa. Tự do kinh doanh mà sao nghề chữa bệnh cứu người lại gây cản trở? Chỉ cấp một lần thôi, về sau kiểm tra thấy đủ điều kiện thì hoạt động tiếp, còn không đủ thì thôi chứ sao lại một vài năm lại cấp lại"- ông Hùng phê phán.
Trước quan điểm của Chủ tịch QH, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai đề xuất trình ra QH 2 phương án: “Theo giải trình của ban soạn thảo, phương án 5 năm cấp lại 1 lần là xu hướng của thế giới. Song cải cách thủ tục hành chính còn chưa tốt, còn nhiêu khê, phức tạp vì vậy xin tiếp thu ý kiến Chủ tịch QH đề xuất thêm phương án cấp phép một lần. Tôi nghĩ như vậy để rộng đường dân chủ và đồng thời cũng tôn trọng ý kiến của Chính phủ đề xuất 5 năm”.
Nhiều thành viên UBTVQH đề nghị cần quy định chặt chẽ việc nhập khẩu dược liệu để tránh tình trạng nhập khẩu dược liệu kém chất lượng, trong khi người dân lại bán dược liệu tự nhiên chất lượng cao ra nước ngoài, bà Trương Thị Mai cho biết trên thực tế ngoài việc nhập khẩu qua đường chính ngạch, dược liệu còn được nhập khẩu vào Việt Nam qua nhiều đường khác và sử dụng cho các mục đích khác nhau (sản xuất thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, thực phẩm) nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát được chất lượng dược liệu nhập khẩu để làm thuốc y học cổ truyền.
Tình trạng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bằng y học cổ truyền, về lâu dài làm giảm uy tín và thương hiệu của y học cổ truyền Việt Nam. Do vậy để đảm bảo chất lượng của dược liệu và sự phát triển của y học cổ truyền Việt Nam, do tính chất của mặt hàng này, cần có cơ chế đặc thù để quản lý nhập khẩu dược liệu làm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. “Tất cả thuốc vào ta đều phải kiểm soát, cần có quy trình chặt chẽ nên đang giao cho Chính phủ thêm một thời gian nữa để làm quy trình cho thật chặt chẽ, bởi vì dược liệu nhập khẩu mà không kiểm soát được thì không quản lý được chất lượng”- bà Mai nhấn mạnh.
Bình luận (0)