Những bức xúc của người dân liên quan đến quy hoạch, nhà ở, đền bù, giải tỏa, tái định cư... đã được đưa ra “mổ xẻ”, tranh luận khiến buổi thảo luận tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 4 vào chiều 4-7 diễn ra sôi nổi.
Tái định cư: Từ “nóng” sang “sôi”
“Khi giải tỏa, đền bù dự án, những người có trách nhiệm chỉ chú tâm đến việc nhanh chóng giao đất cho chủ đầu tư, chứ không quan tâm nhiều đến việc tái định cư cho dân”- ông Trà Văn Quýnh, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi, mở màn buổi thảo luận.
Đồng tình với ý kiến này, từ tình hình thực tế dự án Khu Nghệ cao tại địa phương, Bí thư Quận ủy quận 9 Phan Nguyễn Như Khuê cảnh báo: “Bức xúc của dân về tái định cư đã chuyển từ “nóng” sang... “sôi”! Theo ông Khuê, chương trình tái định cư tại dự án quan trọng này đã không tính đến tâm lý định cư của người dân. Phần lớn các hộ tái định cư sau khi nhận nhà chung cư đều sang nhượng, sau đó đi tìm mua miếng đất khác với giá rẻ để xây nhà ở tạm. “Cứ thế, họ lại tiếp tục nằm trong diện giải tỏa, đền bù và tái định cư...”. Ông Khuê đề nghị TP sớm giải quyết việc bất hợp lý về tái định cư cho dân.
Giám đốc Sở Xây dựng lại hứa
Trước bức xúc của dư luận về sự chậm trễ của các chương trình nhà ở tái định cư, nhà lưu trú cho công nhân..., Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lê Hoàng Quân đã yêu cầu ông Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng, giải trình. Trái với sự chờ đợi của mọi người, ông Dũng chỉ nêu ra những khó khăn, vướng mắc chứ chưa nêu được giải pháp nào khả thi để thực hiện trong thời gian tới. Nhiều đại biểu tỏ ra thất vọng khi lại nghe “điệp khúc” quen thuộc của lãnh đạo Sở Xây dựng: “Đang tính toán cơ chế, chính sách giải quyết!”.
Trong khi đó, TP hiện có trên 20.000 trường hợp cán bộ công chức, hơn 5.000 cán bộ thuộc lực lượng vũ trang đang gặp khó khăn về nhà ở. Chưa kể, hơn 100.000 công nhân từ các địa phương khác đổ về TP làm việc tại các KCN-KCX và hàng ngàn hộ giải tỏa đang tạm cư cần được bố trí chỗ ở mới.
Trẻ hóa cán bộ, lãnh đạo địa phương sẽ “rụng” nhiều!
Không khí hội nghị “nóng” lên khi các đại biểu góp ý công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ lãnh đạo. Một số đại biểu cho rằng yêu cầu trẻ hóa cán bộ là cần thiết, song làm như vậy thì cán bộ tại một số địa phương sẽ “rụng” nhiều. Thực tế tại nhiều cơ quan, đơn vị đang có tình trạng “tre già nhưng măng chưa mọc”; lãnh đạo già, nhưng chưa có nguồn để trẻ hóa.
Nhiều đại biểu cho rằng: Chúng ta luôn kêu gọi trẻ hóa cán bộ, song thực tế cán bộ trẻ thường khó chen chân vào các cơ quan Nhà nước vì lý do không có biên chế. Nếu ở đâu cũng đòi biên chế thì làm sao những người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học có đất sống! Chính vì vậy mà Củ Chi đã “vượt rào” bằng cách tiếp nhận hạn chế một số sinh viên ra trường về công tác tại xã để đào tạo cán bộ nguồn.
Từ câu chuyện cán bộ ở huyện Củ Chi, một số đại biểu đề nghị TP nên có cơ chế tiếp nhận người tài nhằm đào tạo quy hoạch nguồn cán bộ trẻ, tránh tình trạng gần tới nhiệm kỳ lại chật vật đi tìm cán bộ đưa vào danh sách ứng cử.
Hôm nay, 5-7, hội nghị sẽ nghe công bố quyết định của Bộ Chính trị về bổ nhiệm, phân công cán bộ lãnh đạo TP và bế mạc hội nghị.
Lãnh đạo quận huyện run tay khi ký! Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Bí thư Quận ủy quận 9, đã cho biết như vậy khi nói đến việc phân cấp của TP cho các quận – huyện. Theo ông Khuê, quận 9 có nhận được bút phê của Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải giao UBND quận 9 thẩm tra, xem xét để một dự án sau 7 năm bị “kẹt” phải được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND quận 9 không dám ký, giải quyết vì sợ giống trường hợp như quận 12 (vụ liên quan đến đền bù, giải tỏa tại Đài Phát sóng Quán Tre, nguyên chủ tịch UBND quận 12 Lê Hoài Trung bị khởi tố - PV). “Ai sẽ bảo vệ mình khi mà dư luận hiểu theo nhiều cách? Do đó, hiện lãnh đạo các quận - huyện có tâm lý sợ sai, không dám quyết định vụ việc. Mọi vấn đề đều phải làm văn bản xin ý kiến sở ngành hoặc xin ý kiến trực tiếp UBND TP. Mặt khác, tầm nhìn quy hoạch của cấp quận - huyện có hạn. Nếu phân cấp không khéo, quy hoạch quận - huyện dễ thành... tranh của danh họa Picasso!” Ông Khuê đề nghị TP xem lại việc phân cấp nhằm giải tỏa nỗi lo cho cấp quận – huyện. |
Bình luận (0)