Ngày 23-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục họp, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi.
Báo cáo án giống như “án bỏ túi”
Theo báo cáo của UBTVQH, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia hoặc giao Chính phủ quản lý tòa án để bảo đảm tính độc lập của tòa. Kết luận, UBTVQH tán thành ý kiến của đa số đại biểu là tiếp tục giao TAND Tối cao quản lý các tòa án.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Phan Trung Lý, cho rằng Hiến pháp không có nội dung nào hàm ý “TAND Tối cao là cơ quan quản lý cả hệ thống tòa”. Trong khi đó, dự luật vẫn đưa ra những khái niệm “tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…” - như vậy là tổ chức theo cấp hành chính, trái với nguyên tắc “tòa án tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, độc lập giữa các tòa”.
Từ phân tích nêu trên, ông Lý thẳng thắn: “Hình thức báo cáo án, báo cáo nghiệp vụ với chánh án tòa cấp trên… đang diễn ra giống như một dạng “án bỏ túi”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên tắc xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”.
Cùng mối nghi ngại này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: Chánh án TAND Tối cao thử kiểm tra cả nước xem có trường hợp nào mà thẩm phán cấp dưới xử phải báo cáo án với chánh án tòa cấp tỉnh như dư luận phản ánh không?
“Khi chưa thấy đủ điều kiện để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng thì có mở tòa không? Bị can, bị cáo có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư? Nếu không bảo đảm những điều đó thì tòa không thể công bằng, không thể bảo vệ công lý” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Tăng quyền cho tòa án, luật sư
Dự luật đề nghị bổ sung nội dung theo hướng tòa án có thẩm quyền cao nhất. Cụ thể, “tòa án có quyền kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử hoặc tòa án có quyền điều tra, xác minh, bổ sung chứng cứ trong trường hợp cần thiết đối với các vụ án hình sự”.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nêu thực tế có những vụ việc tòa trả hồ sơ nhưng khi bổ sung vẫn không bảo đảm và hết thời hạn quy định thì phải đưa ra xét xử. Sau đó, dù có dấu hiệu phạm tội nhưng chứng cứ buộc tội không chắc chắn và đúng theo tinh thần Hiến pháp thì tòa phải tuyên không phạm tội.
Chủ tịch QH cho rằng tòa án phải có thẩm quyền cao nhất và phải chịu trách nhiệm khi cho mở phiên tòa chưa đủ điều kiện xét xử. Chủ tịch QH dẫn vụ ông Nguyễn Thanh Chấn - phải trả đi trả lại hồ sơ mấy lần mà vẫn kết tội giết người, đề nghị tòa chủ động điều tra theo nguyên tắc độc lập xét xử.
“Làm như vậy mới thấy được trách nhiệm của tòa trong việc phán quyết sau cùng. Hình sự là sống và chết, là liên quan đến quyền cao nhất của con người” - ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Về “quyền im lặng” của bị can, bị cáo, người bị bắt, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là vấn đề lớn, nhiều nước đã áp dụng. Vì thế, “UBTVQH cho định hướng đối với việc này vì đang xảy ra xung đột lớn về quan điểm: Cơ quan điều tra không muốn áp dụng nguyên tắc này, còn giới luật sư lại ủng hộ. Do còn ý kiến quá khác nhau nên cơ quan soạn thảo Luật Tố tụng hình sự vẫn chưa dám đưa vào” - ông giải thích.
Không đồng tình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng “quyền im lặng” không chỉ là đề nghị của luật sư mà còn căn cứ vào Hiến pháp. Luật sư được tham gia vụ án ngay từ đầu, cùng thu thập chứng cứ, lắng nghe thân chủ để có căn cứ bào chữa. "Không phải tạo điều kiện thuận lợi mà là buộc phải tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia, chứ có ai cho luật sư tuyên án đâu mà ngại!" - ông Nguyễn Sinh Hùng quả quyết.
Tránh việc làm chết người lại bảo tự tử
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi. Dự luật đề xuất mở rộng thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao. Điều 20 dự luật được chỉnh lý: “Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao, cơ quan điều tra của VKS Quân sự trung ương điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, VKS, cơ quan thi hành án hoặc người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”.
Đáng chú ý, dự luật quy định về phạm vi, chức năng thực hành quyền công tố của VKSND. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện phân tích: Kết quả giám sát của UBTVQH thời gian qua cho thấy trong giai đoạn các cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, đã xảy ra những trường hợp bức cung, dùng nhục hình dẫn đến chết người, oan sai, bỏ lọt tội phạm. Do vậy, dự luật cần quy định thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Về nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Việc kiểm sát viên có mặt từ đầu trong quá trình làm án là để tránh trường hợp công an vừa bắt người, đưa vào nơi tạm giam, tiến hành điều tra đã làm người ta chết nhưng người chết lại được thông tin là tự tử”.
Bình luận (0)