Quốc hội (QH) đã dành cả ngày 31-10 để các đại biểu (ĐB) thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển năm 2014 và phương hướng thực hiện các mục tiêu tới năm 2014.
Chưa đúng mức độ
“Đây là quyết định rất khó khăn nhưng càng nan giải hơn khi báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá hết mức độ ốm yếu của nền kinh tế. Các con số thống kê vẫn đang gây hoài nghi không nhỏ như nhiều ý kiến ĐB tại phiên thảo luận tổ vừa qua và tôi cũng đồng tình với nhận xét đó” - ĐB Đồng nói và đề nghị QH yêu cầu cải cách triệt để hệ thống thống kê để từ kỳ họp sau không còn tái diễn cảnh bàn giải pháp mà không thấy thực trạng, quyết chi tiền thật dựa trên những con số có thể ảo như hiện nay.
Băn khoăn với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước khi chỉ ra nhóm 9 ngân hàng cổ phần yếu kém là “tội đồ” chính gây bất ổn hệ thống đang được tái cơ cấu, ĐB Hà Sỹ Đồng khẳng định phải có đợt kiểm tra lại sức khỏe tổng thể, đánh giá lại chất lượng tài sản ngân hàng bao gồm nợ tín dụng một cách thực chất; không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ xấu, xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) một cách tình thế như hiện nay bởi cách làm đó dễ tạo ra số nợ ảo, thực trạng ảo cũng như về cơ bản ngân hàng làm thay đổi bản chất vấn đề nợ xấu.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) bày tỏ: “VAMC ra đời có người ví von như một bác sĩ chữa bệnh nhưng quá đông bệnh nhân. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mới đề cập đến đầu vào mua nợ xấu mà chưa rõ xử lý đầu ra, bán như thế nào?”. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ cần đánh giá chính xác về tình hình phá sản, giải thể, dừng hoạt động của doanh nghiệp, việc doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn cũng như các biện pháp tháo gỡ khó khăn như điều chỉnh lãi suất, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, cung cấp thông tin, điều kiện tiếp cận thị trường, miễn, giảm, hoãn, khoanh nợ thuế và quản lý nhà nước cùng một số vấn đề khác. Việc này, theo ĐB Vinh, là để điều chỉnh chính sách cho đúng, sát thực tế.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lo ngại việc tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2013 chỉ vào khoảng 6,8% nhưng thu ngân sách hụt đến trên 20.000 tỉ đồng. Cũng trong thời gian này, có tới 42.000 doanh nghiệp “ra đi”, số doanh nghiệp mới thành lập còn rất yếu và chủ yếu là tránh nợ vay mới.
“Cho nên, nghe báo cáo của Chính phủ, chúng ta thấy màu hồng nhưng nghe báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách, chúng ta thấy màu xám, còn nhân dân thì nói là màu tối. Mỗi người đứng ở một góc độ khác nhau, cách nhìn nhận, đánh giá cũng khác nhau, chuyện đó là bình thường. Nhưng theo tôi, nền kinh tế phải đánh giá cho đúng, nếu chúng ta đánh giá không đúng thì cũng như người bệnh, nếu chúng ta cảm cúm nhẹ, uống Tiffy là khỏi nhưng nếu nặng thì phải có những thuốc khác” - ông Thuyền bày tỏ.
Lo lắng về đời sống nông dân, ngư dân
ĐB Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang), Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết thu nhập của một nông dân hiện nay chỉ hơn 4 triệu đồng/năm. Nông nghiệp và nông thôn có vai trò là trụ đỡ, nông dân là chủ thể trong nông thôn nhưng tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang liên tục suy giảm nặng. Trong khi đó, lao động nông thôn thiếu việc làm, một bộ phận nông dân không còn tha thiết với nông nghiệp. Ở miền Bắc, nhiều nơi nông dân bỏ ruộng không làm, có tỉnh lên tới hàng ngàn ha.
Theo ĐB Cường, đó là điều bất bình thường. “Nông dân ở Bắc Trung Bộ đã tính được trên 1 sào trồng lúa, trong cả một vụ chỉ lãi khoảng 100.000-200.000 đồng. Ngoài rủi ro do thiên tai, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh thì giá đầu vào của vật tư nông nghiệp tăng nhanh, trong mấy năm tăng tới 2-2,5 lần trong khi giá nông sản chỉ tăng 1,2 lần. Ngoài ra, càng làm nhiều ruộng càng phải đóng nhiều khoản tiền” - ĐB Cường lưu ý.
Hơn nữa, theo tìm hiểu của người đứng đầu Hội Nông dân Việt Nam, nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chưa đến được với người dân. “Chúng ta cần có giải pháp tích cực để chặn đứng suy giảm nông nghiệp và tăng mạnh đầu tư cho nông thôn hơn nữa” - ĐB Cường nhấn mạnh.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng trong 2 thập kỷ qua, chúng ta có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, các chính sách ấy đều “bay” theo tư duy nhiệm kỳ, lãng mạn và phải gồng gánh thêm cả những vết đau do Vinalines, Vinashin mang lại. Ngư dân đang phải dùng tàu thuyền cũ nát, công nghệ đánh bắt lạc hậu, tàu không đủ công suất lớn để đi đánh bắt cá xa bờ và khi ra biển khơi lập tức gặp hiểm nguy. Trong khi đó, việc vay vốn, hỗ trợ rất ít hoặc gặp nhiều khó khăn. Các ngân hàng không muốn cho ngư dân vay vốn...
Dân gọi điện thoại, cán bộ không nghe “Dân nói ngày xưa các cán bộ phải vào nhà dân để lấy hàng tiếp tế, lấy thông tin đánh địch, giờ nhân dân đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ nhưng dân gọi không nghe. Một bộ phận không nhỏ cán bộ bây giờ gọi thì bảo số lạ không bao giờ nghe. Thực ra, người dân rất muốn tiếp cận lãnh đạo để phản ánh tâm tư, nguyện vọng nhưng gửi đơn lên chưa chắc đến được. Đến trụ sở tiếp dân cũng có thể không gặp lãnh đạo cao cấp. Qua điện thoại thì cán bộ không nghe. Chính vì vậy, nhân dân rất băn khoăn, nhiều vụ kêu hàng chục năm không ai giải quyết. Bộ máy chính quyền đầy đủ từ trên xuống nhưng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tàu hút cát chạy rầm rầm suốt ngày đêm, nhân dân kêu thì bảo tôi đi giám sát nhưng không thấy. Thế là cái gì?” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bức xúc. |
Bình luận (0)