Chiều 10-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận tổ về dự thảo Bộ Luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS). Dự thảo bộ luật này được coi là sự nhất thể hóa của nhiều văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình và các Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình... Nhưng ý kiến chung của nhiều đại biểu là dự thảo chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) nhận xét: “Tờ trình, báo cáo giải trình không đạt vì không giới thiệu và dẫn giải được vấn đề chủ chốt của bộ luật”.
Khó quá, nhờ tòa điều tra hộ!
Dự thảo quy định “đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho tòa án”. ĐB Nguyễn Kim Sơn (Hải Dương) nhìn nhận, nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự là quyền tự định đoạt của đương sự. Tuy nhiên, không phải vụ án nào đương sự cũng có thể thu thập được đầy đủ chứng cứ. Chẳng hạn, những tranh chấp về nhà đất, hầu hết giấy tờ chứng cứ nằm ở Sở Địa chính -Nhà đất và các cơ quan Nhà nước lưu giữ, ngay cả tòa án có công văn yêu cầu cung cấp còn khó khăn nói gì đương sự. Bằng kinh nghiệm chuyên môn của mình, ông Sơn (Chánh án TAND tỉnh Hải Dương) phân tích: Hầu hết những chứng cứ đương sự cung cấp chỉ là một căn cứ, chưa đủ để coi là chứng cứ. Đối với những vật chứng của vụ án (đương sự cung cấp)-điều tra tại tòa không có điều tra thực tế sẽ không bảo đảm chính xác.
Trong những trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu của đương sự, thẩm phán tòa án có thể tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ như trưng cầu giám định, ủy thác thu thập chứng cứ, yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, hiện vật liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, những trường hợp nào được tòa án thu thập giúp thì không được đề cập cụ thể trong dự thảo bộ luật. Một số ĐB nhận xét: Đây là yêu cầu chính đáng nhưng không nên giao cho tòa án mà nên để các tổ chức trợ giúp pháp lý giúp đương sự thu thập chứng cứ hoặc tòa án yêu cầu các cơ quan tổ chức hữu quan cung cấp chứng cứ trực tiếp cho đương sự. Việc tòa án vừa thu thập chứng cứ vừa lập hồ sơ vụ án sẽ không đảm bảo tính khách quan.
Khi VKS trở thành nguyên đơn dân sự...
Dự thảo BLTTDS quy định VKSND có quyền khởi tố vụ án dân sự. Nếu VKS khởi tố vụ án hoặc kháng nghị thì có thể tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, đa số các ĐB cho rằng, không nên giao quyền khởi tố vụ án cho VKS mà nên hướng dẫn cho đương sự tự mình hoặc nhờ người đại diện khởi kiện. ĐB Phan Trung Lý (Nghệ An) khẳng định: “Khi VKS khởi tố vụ án, đương nhiên đã trở thành nguyên đơn dân sự. Khi đó, kiểm sát viên tham dự phiên tòa vừa có vai trò như đương sự, vừa có chức năng kiểm sát xét xử. Do đó, rất khó phân định kiểm sát viên là người tham gia tố tụng hay người tiến hành tố tụng”. Theo ông Lý, việc làm này khiến cho vai trò của VKS sẽ không còn được khách quan.
Sao vội áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?
ĐB Nguyễn Kim Sơn gay gắt: Quy định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện không biết ban soạn thảo “học” ở đâu, nếu “học” thì cũng không đến nơi đến chốn. Khi đương sự chưa khởi kiện, vụ việc chưa được coi là vụ án. Tòa án chưa thụ lý vụ án thì chưa có quyền đối với bị đơn (tương lai). Nếu vì để bảo vệ chứng cứ, ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc việc bảo đảm thi hành án thì tòa án đã vượt xa giới hạn của luật pháp cho phép, lấn sân sang hoạt động của các cơ quan hành chính khác.
Cùng chung quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Trần Thế Vượng nhấn mạnh: “Một đề nghị về vụ việc chưa phát sinh sao đã vội áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời? Một khi đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nếu sai thì phải bồi thường. VKS kiến nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sai cũng phải bồi thường”.
Tăng thẩm quyền theo giá trị tranh chấp hay theo tính chất?
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khái quát: “Đây là một trong những bộ luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, do đó chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ càng và ban hành càng sớm càng tốt. Điều quan trọng là phải hoàn chỉnh bộ luật và tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu, thực hiện đúng những quy định của bộ luật này”.
Nhiều ĐB tán thành việc tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện giải quyết tất cả các vụ án kinh tế, trừ những vụ án có tính chất phức tạp, có liên quan đến yếu tố nước ngoài, đương sự ở nước ngoài, ủy thác tư pháp cho tòa án nước ngoài. Tòa án cấp huyện có thể xét xử những vụ án kinh tế có giá trị tranh chấp lên tới 500 triệu đồng. Tuy nhiên, ĐB Trần Thế Vượng cho rằng, cần xác định rõ thế nào là vụ án phức tạp? Ở các thành phố lớn, giá tranh chấp một căn nhà có khi lên tới hàng tỉ đồng nhưng nếu xét theo tính chất thì phù hợp với thẩm quyền tòa án cấp huyện. Có những vụ án giá trị nhỏ nhưng liên quan tới yếu tố nước ngoài rất phức tạp.
Cần đưa thủ tục giải quyết TCLĐ tập thể vào bộ luật
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng không nên đưa vào bộ luật những quy định về tranh chấp lao động (TCLĐ) tập thể, đặc biệt là những quy định đình công và cần có luật riêng quy định về các thủ tục liên quan đến TCLĐ. Không đồng tình với quan điểm này, ĐB Đặng Ngọc Tùng (TPHCM) cho rằng Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các TCLĐ không đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Theo ông Tùng, hầu hết các cuộc đình công hiện nay đều xuất phát từ nguyên nhân là người sử dụng lao động (NSDLĐ) không chấp hành đúng các quy định của pháp luật và khi người lao động (NLĐ) đình công thì mới được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình. Trong lúc đó, nếu thực hiện theo đúng pháp lệnh trên thì NLĐ không còn được làm trong các đơn vị đó nữa và phải chấp nhận thiệt thòi. Ông Tùng đề nghị, dự thảo luật cần phải quy định cụ thể thủ tục giải quyết TCLĐ. ĐB Phan Anh Minh (TPHCM) đồng tình: “Có quy định cụ thể thì mới giải quyết được mâu thuẫn về quyền lợi giữa NSDLĐ và NLĐ, tạo điều kiện cho CĐ tham gia bảo vệ quyền lợi NLĐ”.
Tố tụng dân sự là bộ luật lớn, thời gian thảo luận chỉ gói gọn trong buổi chiều dường như chưa làm thỏa mãn các ĐB. ĐB Nguyễn Kim Sơn cho rằng, bộ luật gồm nhiều luật khác nhau, được nhất thể hóa. Nhưng ban soạn thảo dự luật mới chỉ dừng lại ở trình độ tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Giống như khoa chuyên môn tai-mũi-họng trong các bệnh viện nhưng lại chỉ gọi là “khoa họng”. ĐB Nguyễn Thế Hiệp (TPHCM) bức xúc: Dường như ban soạn thảo làm việc chưa chu đáo, ngang tầm với ý nghĩa thực tiễn của bộ luật.
Bình luận (0)