Ngày 1-7, Chính phủ họp ngày thứ 2 phiên họp thường kỳ trực tuyến với các tỉnh, TP tháng 6-2016.
Xuất khẩu khó đạt mục tiêu
Báo cáo trước Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu 5,9% là tích cực trong bối cảnh phần lớn các nước trên thế giới tăng trưởng âm. Nhưng đây vẫn là mức tăng thấp so với con số 9,2% của cùng kỳ năm trước và so với mục tiêu 10% đã đề ra cho năm nay. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm sụt giảm cả 2 khía cạnh giá và lượng. Đặc biệt, do giá nguyên nhiên liệu, dầu khí, than đá sụt giảm nên xuất khẩu ở các lĩnh vực này đã mất hơn 1,1 tỉ USD…
Ông Trần Tuấn Anh đánh giá năm 2016, chắc chắn thương mại quốc tế nói chung và thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói riêng sẽ khó khăn bởi tác động tiêu cực của tình hình kinh tế, thương mại thế giới. Do đó, nếu quyết liệt khai thác thị trường, bao gồm cả thị trường mới, thị trường tiềm năng cũng như truyền thống thì có khả năng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu xấp xỉ 8%, còn mục tiêu 10% là khó hoàn thành.
Về chính sách tiền tệ và tỉ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết lạm phát 6 tháng đầu năm tăng 1,72% được nhận định là phù hợp với diễn biến tiền tệ từ đầu năm; tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm hợp lý, được kiểm soát và bảo đảm chất lượng, với cơ cấu chuyển dịch phù hợp… Tuy nhiên, thời gian tới, sức ép tăng lãi suất trên thị trường rất lớn, xuất phát từ kỳ vọng lạm phát. Do đó, điều hành cần rất thận trọng, không chủ quan với lạm phát. Ngoài điều hành giá nói chung, cần cân nhắc và thận trọng các hoạt động vĩ mô khác, để tránh tác động điều hành lãi suất.
“Hiện nay, nguồn vốn tập trung cho kinh tế chiếm phần lớn là nguồn tín dụng ngân hàng, nhu cầu huy động trái phiếu cũng cao hơn, nên cần chủ động linh hoạt trong điều hành, để giữ ổn định lãi suất cho vay” - Thống đốc nhấn mạnh.
Nghiêm túc rút kinh nghiệm
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự sụt giảm tăng trưởng có yếu tố khách quan nhưng cũng có yếu tố chủ quan. Trong đó, một phần là do bộ máy mới đi vào điều hành, chưa có nhiều kinh nghiệm nên dẫn đến tăng trưởng chậm. “Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tìm ra giải pháp. Vì vậy, quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ là quyết liệt, ưu tiên giải quyết điểm nghẽn, tái cơ cấu nền kinh tế thực chất, tạo cơ sở tăng trưởng bền vững” - Thủ tướng nói.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ khẳng định trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ. Do đó, việc phấn đấu đạt mục tiêu GDP tăng 6,7% cần phải có giải pháp đồng bộ, quyết tâm chính trị cao của các bộ, ngành, Chính phủ và 63 địa phương, đặc biệt là 13 địa phương trọng điểm kinh tế. Mục tiêu thống nhất là phải ổn định vĩ mô, đặc biệt cảnh giác cao với lạm phát, nhất là chính sách giá dịch vụ, y tế, giáo dục sắp được ban hành.
Về định hướng chung, Thủ tướng yêu cầu quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đẩy nhanh và giải ngân vốn đầu tư, tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất, mở rộng tận dụng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, điều hành chủ động linh hoạt công cụ tài khóa và chính sách tiền tệ để giữ ổn định vĩ mô, giải ngân cho sản xuất - kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu giải quyết bài toán nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh gắn với tái cơ cấu. Ngoài ra, thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế với chế tài cụ thể cho người đứng đầu, bởi gánh nặng đội ngũ công chức đang hưởng lương nhà nước rất lớn khi đất nước có 90 triệu dân mà phải trả lương cho 11 triệu người.
Với những vấn đề bất cập trong đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giải quyết. Với ngành Công Thương, Thủ tướng đánh giá xuất khẩu là kênh quan trọng nhất cho tăng trưởng. Vì vậy, các địa phương quyết liệt hơn nữa bởi Việt Nam có điều kiện rất tốt cho xuất khẩu, từng hộ có thể phát triển được. Bộ Công Thương phải tính toán lại bài bản, hệ thống hơn, bộ máy phải rất giỏi để xốc lại hoạt động xuất khẩu.
Đã xác định được vị trí máy bay Su-30 MK2
Theo thông tin tại hội nghị, Trung tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết đã vớt được máy và 2 hộp đen của máy bay CASA-212. Riêng máy bay Su-30 MK2, hiện đã xác định được vị trí, sắp tới sẽ tổ chức trục vớt.
“Gia đình các chiến sĩ hy sinh trong 2 vụ tai nạn máy bay có nhiều hoàn cảnh khó khăn, vợ con không có công ăn việc làm. Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị đã cùng với chúng tôi nhận giúp đỡ vợ con các chiến sĩ. Chúng tôi cũng đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một chiến sĩ trong vụ tai nạn CASA-212 và trục vớt Su-30 MK2, sau đó sẽ tổ chức giải mã và tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc, làm rõ vấn đề, nguyên nhân các vụ tai nạn” - ông Chiêm nói.
Bình luận (0)