Song điều quan trọng nhất, được quan tâm nhất là liệu việc điều chỉnh giờ giấc đó có giúp giải quyết được tình trạng ùn tắc đang ngày càng nghiêm trọng? Ai cũng thấy ngay rằng chỉ một giải pháp điều chỉnh giờ làm, giờ học chắc chắn không thể giải quyết bài toán giao thông tại Hà Nội hay TPHCM. Chính Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng biết vậy khi yêu cầu cán bộ ngành GTVT đi xe buýt để tính tới biện pháp hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Thế nhưng, điều đó vẫn chưa đủ để giải quyết cơ bản vấn đề giao thông đô thị. Hơn nữa, dư luận sẽ đặt vấn đề là vì sao tầm nhìn giải quyết bài toán giao thông toàn nhìn từ phía người dân mà không phải từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Trước hết, cần thấy rằng cơ sở hạ tầng giao thông nội ô Hà Nội hay TPHCM phần lớn được xây dựng từ vài chục năm trước, phục vụ cho số dân ít hơn hiện nay nhiều lần. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại cấp phép cho không biết tòa nhà cao tầng mọc san sát trên những con phố vốn đã chật hẹp. Như thế tắc đường là do cơ quan quản lý chứ không phải người dân.
Bộ GTVT đề xuất việc đổi giờ học là việc cần làm ngay song không thấy đề xuất điều nên làm không kém là đẩy nhanh tiến độ di dời các trường đại học khỏi nội thành Hà Nội và TPHCM vốn đã lên kế hoạch khá lâu nhưng thực hiện quá chậm trễ. Một vấn đề cơ bản và cũng quan trọng không kém là quy hoạch, hình thành trung tâm hành chính tách rời khu dân cư và thương mại cũng chưa thấy bộ trưởng Bộ GTVT một lần nhắc tới trong các giải pháp trước mắt và lâu dài chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TPHCM.
Chỉ đặt tầm nhìn giải quyết vấn đề giao thông vào người dân thôi mà không thấy từ phía Nhà nước sẽ không bao giờ đủ để có thể giải quyết bài toán giao thông đô thị, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM.
Bình luận (0)