. Phóng viên: Hiện rùa tai đỏ đã xuất hiện trên cả nước. Dư luận đang quan ngại rùa tai đỏ có thể là sinh vật gây hại như ốc bươu vàng, thưa ông?
- Ông Chu Tiến Vĩnh: Sau 15 năm xuất hiện ở VN, cho đến nay, vẫn chưa thấy rùa tai đỏ gây hại cho rùa trong nước, cũng như các sinh vật khác... nên không có ảnh hưởng gì.
Cũng như các loài khác, để đưa vào nuôi đại trà loài rùa này thì cần qua khảo nghiệm (nuôi nhốt cách ly và quan sát- PV) một cách khoa học. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa được phép tiến hành đề tài này nên việc nuôi loài rùa tai đỏ vẫn chưa được phép. Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ điều tra, đánh giá cụ thể về tác hại của rùa tai đỏ.
. Chưa phát hiện rùa tai đỏ gây hại, tại sao Bộ NN-PTNT lại yêu cầu Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ tái xuất lô rùa tai đỏ nhập khẩu?
- Tổng cục Thủy sản đã làm việc với UBND tỉnh Cần Thơ và thống nhất đến ngày 31-8, phải tái xuất toàn bộ lô rùa tai đỏ đã nhập khẩu, không được nuôi trong nước. Nếu không tái xuất thì phải tiêu hủy hoặc giết mổ và dùng hóa chất tiêu diệt hết số còn ẩn nấp dưới bùn. Hiện số rùa đang được quản lý chặt. Gần đây, báo chí bày tỏ nhiều lo ngại về giống rùa này, trong khi chưa có chứng minh đầy đủ về sự nguy hại nên việc tái xuất là cần thiết.
. Doanh nghiệp tự ý nhập khẩu thủy sản bị cấm sẽ bị xử lý ra sao?
- Đúng là chưa có quy định xử phạt bằng tiền đối với hành vi này. Tuy nhiên, sau 1-2 lần nhắc nhở mà vẫn vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Nhiều gia đình ở An Giang mua rùa tai đỏ về cho trẻ em chơi đùa. Ảnh: QUỐC DŨNG
. Tại sao Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt rùa tai đỏ vào danh sách 100 sinh vật gây hại, thưa ông?
- IUCN đã chỉ rõ rùa tai đỏ có nhiều ở Bắc Mỹ. Tại Mỹ, rùa tai đỏ được nuôi như các loại thủy sản bình thường và là thực phẩm phổ biến. Mỗi năm, Trung Quốc, Đài Loan... nhập khẩu hàng triệu con rùa tai đỏ làm thực phẩm.
Khi nhập vào VN, rùa tai đỏ có kích thước tăng trưởng không lớn, cũng chưa thấy rùa tai đỏ trở thành thức ăn trong các nhà hàng. Có thể rùa tai đỏ không phù hợp với điều kiện sống ở VN. Việc IUCN khuyến cáo rùa tai đỏ thuộc 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, cá chép cũng nằm trong danh sách này.
VN vẫn nhập khẩu cá chép, cá rô phi ngoại lai về lai tạo trở thành giống thủy sản tốt để nuôi trong nước. Tôi cho rằng không phải tất cả sinh vật ngoại lai hay nằm trong nhóm 100 loài xâm hại nguy hiểm là có hại hết.
Quản lý tôm hùm đỏ, tiêu hủy rùa tai đỏ
Trong khi cơn “sốt” rùa tai đỏ chưa lắng xuống thì Công ty Phú Thành (Sóc Trăng) lại nhập khẩu tôm hùm đỏ về nước nuôi thử nghiệm mà không xin phép cơ quan chuyên môn.
Ông Chu Tiến Vĩnh cho biết Tổng cục Thủy sản đã cử đoàn thanh tra vào Sóc Trăng để tìm hiểu việc này và có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị phê bình nghiêm khắc Công ty Phú Thành và phải có biện pháp xử lý số tôm đã nhập dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng. Ngoài ra, đơn vị nào cấp phép cho doanh nghiệp nhập lô hàng này sẽ phải chịu trách nhiệm.
Theo ông Vĩnh, cho đến nay, chỉ có Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I được Bộ NN-PTNT cho phép nhập có giới hạn tôm hùm đỏ vào nuôi khảo nghiệm. Sau quá trình khảo nghiệm, nếu giống tôm hùm đỏ cho hiệu quả thì sẽ cho phép nhập về. Trong trường hợp có hại sẽ tiêu hủy toàn bộ số tôm hùm đỏ nhập về.
Trước đó, Công ty Phú Thành đã nhập khẩu một lô tôm hùm đỏ gồm 504 con từ Mỹ. Đặc tính loài tôm này có màu đỏ sẫm, tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng ít thịt. Hiện nay, Cơ quan Thú y vùng VII đã niêm phong toàn bộ số tôm trên, giao lực lượng thú y địa phương quản lý.
Chiều 19-8, ông Phan Văn Xê, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, cho biết sau gần một tuần niêm phong 11 con rùa tai đỏ tại 2 cơ sở bán cá cảnh trên địa bàn TP Sóc Trăng, người dân đã mang nộp thêm cho đơn vị này 7 con rùa tai đỏ. Sau khi xin ý kiến của cơ quan chức năng, Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng đã tiến hành tiêu hủy tất cả số rùa nói trên.
Cũng theo ông Xê, hiện nay, lực lượng kiểm lâm cơ động đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh khẩn trương kiểm tra các điểm kinh doanh động vật hoang dã ở chợ để ngăn chặn tình trạng mua bán rùa tai đỏ.
Th.Dũng- G.Thanh |
Bình luận (0)