xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chưa hè đã lo trẻ đuối nước

NHÓM PHÓNG VIÊN

Vấn đề đuối nước ở trẻ em năm nào cũng được nhắc đến nhưng các giải pháp phòng chống vẫn chưa mang lại hiệu quả

Ngày 2-4, thi thể 2 em Nguyễn Thọ Phượng- học sinh lớp 3B và Đặng Ngọc Quân - học sinh lớp 4A Trường Tiểu học Xuân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An - được tìm thấy ở đập Cầu Vôi, thuộc xóm 4A, xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Trẻ liên tục chết đuối

Sáng cùng ngày, Phượng và Quân rủ nhau ra đập chơi. Trong lúc vui đùa, 2 em sẩy chân, rơi xuống chỗ nước sâu của đập này. Một số người dân phát hiện, nhảy xuống vớt Phượng và Quân lên bờ nhưng 2 em đã tử vong trước đó.

Thi thể các nữ sinh bị đuối nước tại Gia Lai được đưa lên bờ vào ngày 29-3Ảnh: HOÀNG THANH
Thi thể các nữ sinh bị đuối nước tại Gia Lai được đưa lên bờ vào ngày 29-3Ảnh: HOÀNG THANH

Thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra những vụ đuối nước trẻ em rất thương tâm, gây bất an trong cộng đồng. Mới đây, trưa 29-3, 5 nữ sinh là Hoàng Thị Hòa, Võ Ngọc Mỹ, Lê Thị Quỳnh Hương, Lê Thị Minh Thư và Nguyễn Thị Thu Phương (cùng SN 2005, học sinh Trường THCS Chu Văn An, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) rủ nhau đi tắm hồ Sê San. Trong khi Hòa, Mỹ, Hương, Thư cùng nhau xuống tắm thì Phương đứng trên bờ.

Khi xảy ra tai nạn, Phương trông thấy các bạn vùng vẫy đã chạy đi gọi người cứu giúp. Tuy nhiên, khi mọi người đến nơi thì đã muộn. Các nữ sinh đều là con của các công nhân công ty cao su trên địa bàn và đều ngoan ngoãn, học giỏi.

Anh Siu H’lang (trú làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) trực tiếp tham gia tìm kiếm thi thể các nạn nhân dưới hồ, kể khi nghe tiếng kêu cứu, anh vội vã chạy lại nhưng không kịp. “Thi thể các em nằm cách nhau chỉ mấy sải tay dưới đáy hồ. Khi vớt được các em lên bờ, ai cũng không kìm được nước mắt” - anh Siu H’Lang buồn bã.

Trước sự việc này, ngày 2-4, UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã có công văn hỏa tốc về việc tăng cường phòng chống tai nạn đuối nước trên địa bàn. UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương, các trường học…, vận động đoàn viên nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước, tổ chức tập huấn bơi lội, cứu đuối nước đến học sinh và người dân. Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp, cá nhân xây dựng các điểm vui chơi an toàn cho trẻ nhỏ.

Bà Trần Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, cho hay trước sự việc đau lòng này, sở sẽ tích cực phổ biến kiến thức, kỹ năng bơi lội cho các học sinh.

Tại Khánh Hòa, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm tỉnh này ghi nhận gần 20 trẻ tử vong vì đuối nước, tập trung ở học sinh cấp 1-2. Các vụ tai nạn thường xảy ra vào mùa hè, mùa lũ. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em là do sự thiếu quan tâm, bất cẩn của người lớn; trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động bơi lội thiếu thốn; môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Tại tỉnh Lâm Đồng, năm 2016 cũng có hơn 10 trường hợp bị đuối nước, trong đó 7 người tử vong, tập trung chủ yếu ở những địa phương có hồ, đập, sông, suối nhiều...

Người lớn cũng cần học cách xử trí

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích - đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2016-2020 thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “ngôi nhà an toàn”, “trường học an toàn”, “cộng đồng an toàn”… và chỉ đạo, triển khai việc tổ chức dạy bơi cho trẻ. Tuy nhiên, do thiếu bể bơi nên số trẻ được học kỹ năng phòng chống đuối nước rất hạn chế.

Hiện chỉ có 3 địa phương ở Khánh Hòa triển khai các lớp dạy bơi cho trẻ là huyện Cam Lâm, TP Nha Trang và TP Cam Ranh. Theo thống kê, tổng số trẻ được học mỗi năm chỉ khoảng… 200 em. Ngay tại TP Nha Trang, khoảng 5 cơ sở có hồ bơi mở lớp dạy bơi nhưng học phí trung bình khoảng 700.000 đồng/tháng/học viên nên số em tiếp cận, đăng ký học còn hạn chế.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tạo, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, cho biết vấn đề quan trọng nhất để giảm nguy cơ đuối nước cho trẻ em chính là ở các bậc cha mẹ bởi lơ là đối với trẻ đồng nghĩa với thảm họa đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngoài việc thường xuyên giám sát con cái, cha mẹ cần chủ động dạy trẻ biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông suối khi người lớn vắng mặt.

Ngoài ra, nhà trường cũng cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục. Bên cạnh đó, mọi người nên tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu trẻ em bị đuối nước đúng cách. Khi phát hiện có người rơi xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ đầu. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt…

“Hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực là một thao tác đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất lớn trong mọi trường hợp bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn do đuối nước…” - bác sĩ Tạo nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo