Nét ưu việt của CNXH thể hiện trước hết ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Ngân sách Nhà nước của VN cũng đã rất ưu tiên đối với hai lĩnh vực này. Kinh phí rót từ ngân sách đúng là không thể đủ để khám, chữa bệnh cho toàn dân, nhưng nếu vận động được thật tốt việc đóng BHYT thì mới hy vọng tháo gỡ được khó khăn.
Hiện nay, một bộ phận nhân dân còn nghèo hoặc rất nghèo. Học phí cao sẽ tăng số học sinh bỏ học. Viện phí cao thì nhiều người sẽ tìm cách chữa trị bằng thuốc nam dù biết rằng không thể có hiệu quả đối với các bệnh nặng. Vì thế, cần có điều tra cụ thể về khả năng đóng góp khám, chữa bệnh của từng nhóm đối tượng để có chính sách thích hợp. Ở Trung Quốc thường có các trạm khám bệnh cho dân chúng. Đây là một cách làm rất đáng tham khảo. Tôi còn nhớ, trước đây, sau khi khảo sát thực tế tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định đầu tư cho các trạm y tế xã của huyện này một lượng thích hợp cơ số thuốc cấp cứu sốt rét ác tính và sau đó tỉ lệ chết về bệnh này nơi đó đã giảm ngay tức thì. Rõ ràng, việc tăng cường đầu tư cho các trạm y tế xã là rất cần thiết.
Một trong những yếu tố quan trọng để có thể điều chỉnh viện phí là BHYT toàn dân, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm cho người dân hiểu rõ về BHYT. Nhiều người nói tôi đóng BHYT mấy chục năm nay mà chưa nhận viên thuốc nào, lẽ ra phải lấy đó là niềm hạnh phúc; không nhận viên thuốc nào chính là do luôn khỏe mạnh, không ốm đau gì cả!
Cần có chính sách hỗ trợ mua BHYT cho người thuộc diện nghèo theo tiêu chuẩn chung và cho trẻ nhỏ, còn lại phải vận động toàn dân đóng BHYT. Cuộc vận động này phải thực hiện ráo riết như cuộc vận động đội mũ bảo hiểm. Chuyện khám, chữa bệnh theo BHYT rất cần đến y đức của người thầy thuốc. Không thể có chuyện nộp tiền ngay thì khám kỹ, kê đủ thuốc; còn với người dùng thẻ BHYT thì khám qua loa và kê đơn toàn thuốc giá rẻ. Giá thuốc cần phải được quản lý chặt chẽ để không bị phụ thuộc vào vài hãng thuốc lớn trên thế giới. Mặt khác phải nhanh chóng xây dựng công nghệ sản xuất (chứ không chỉ là bào chế) dược phẩm. Công nghệ sinh học dược phẩm đang phát triển như vũ bão trên thế giới nhưng hầu như chưa được khởi động ở nước ta (trừ lĩnh vực vắc-xin).
Cũng không nên dồn hết các trường hợp bệnh nặng về tuyến trung ương để dẫn đến quá tải. Muốn vậy, phải nâng cấp cho các bệnh viện tuyến cơ sở, tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến khu vực và tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho thầy thuốc ở các tuyến này.
Theo đề án viện phí mới của Bộ Y tế, nếu bao cấp cho 72% dân số thì tôi không tin là ngân sách Nhà nước có thể gánh nổi. Đề nghị xem xét lại có đúng như vậy không? Phải lấy BHYT chung của cả nước để điều trị cho người bệnh chứ không thể tách riêng 28% ra để yêu cầu tính đúng, tính đủ. Như vậy còn gì là tiêu chí công bằng xã hội nữa! Những người mắc bệnh hiểm nghèo còn cần tới cả sự hỗ trợ của những tấm lòng từ thiện. Trên đời còn vô số tấm lòng bác ái. Nếu chúng ta biết huy động đúng lúc và đúng người thì có thể thường xuyên cứu thêm không ít sinh mạng. Tôi biết có một bạn trẻ đã mở một trang web để kêu gọi giúp các trẻ em nghèo mắc bệnh tim và thông báo rất đầy đủ ai tặng tiền, tiền đó được chuyển đến tay cháu nào, hiệu quả ra sao. Thật gọn nhẹ và không thất thoát một đồng nào. Mong sao ngày càng có nhiều nghĩa cử đầy tính nhân đạo như vậy.
Chuyện bệnh viện tự chủ tài chính cũng không khác gì chuyện các trường học tự chủ tài chính. Tôi cho rằng chưa nên làm như vậy khi chúng ta còn muốn duy trì tính ưu việt của CNXH.
Bình luận (0)