Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào xã Đồng Tâm đối thoại với người dân - Ảnh: Văn Duẩn
Sáng nay 15-5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Góp ý báo cáo KT-XH của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) trình bày, hầu hết thành viên UBTVQH tán thành và đánh giá cao những nỗ lực điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nêu công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập mà điển hình là vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội vừa xảy ra đã chứng tỏ điều này. "Quan trọng nhất để cho dân thấy chính sách của ta là đúng và có trách nhiệm. Khi tình huống tương tự xảy ra thì xử lý thế nào? Đối thoại với dân ra sao? Nếu tình hình căng mà đối thoại với dân chậm thì bất lợi, càng kéo dài thì càng tạo cơ hội cho thế lực thù địch" – ông Tỵ nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực QH, bà Tòng Thị Phóng lại cho rằng các vụ việc nổi cộm về đất đai có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn tại đất đai.
"Nếu ta giải quyết tốt, giải trình thuyết phục thì không đến nỗi như vừa rồi. Tại sao người dân phải đưa trẻ em ra đường nắng nóng như thế để phản đối chính quyền? Đây là những vấn cần đưa lên bàn QH để thảo luận rõ ràng. Có phải do thiếu luật pháp và có thiếu đến mức dân phản đối như vậy không? Tôi cho rằng không phải như vậy mà do cách thực thi của chúng ta" – bà Phóng phân tích.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị chú trọng đến trách nhiệm của cơ sở xem đã vào cuộc thực sự chưa. Tổ chức nào ta cũng có, hoàn thiện và trang bị không thiếu điều kiện hoạt động, cán bộ đầy đủ mà tại sao lại để dân khổ như vậy.
"Dân mình rất vất vả, chẳng sung sướng gì khi ra đường chống đối chính quyền" – bà Phóng nhấn mạnh và cho rằng tới đây cần quan tâm tới vai trò của việc gần gũi, vận động quần chúng và trách nhiệm với quần chúng, đưa những vấn đề này ra bàn thảo tại QH. "Tôi tin chắc đây là vấn đề nóng"- bà Phóng nhận định.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nhìn nhận vừa rồi quyết tâm của Chính phủ hợp với lòng dân. "Tôi có cảm giác Thủ tướng chưa tin lắm vào hệ thống bộ máy dưới quyền nên thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Vừa rồi theo dõi tôi thấy việc kiểm tra, giám sát này rất có tác dụng. Ý tưởng của Thủ tướng rất thiết thực, kết quả là các địa phương, bộ ngành chuyển động tốt"- ông Việt bình luận.
Ông Võ Trọng Việt thẳng thắn cho rằng nếu nhìn bề ngoài thì cảm thấy Chính phủ chủ yếu là khắc phục, chống đỡ vì bao nhiêu dự án, rồi cơ cấu phải chống đỡ, nhưng đây là việc làm căn cơ, cứ đà này là phát triển tốt.
"Chúng ta đi nước ngoài nhiều, nhưng chưa có đất nước nào yên ổn như Việt Nam. Ta thấy vụ Đồng Tâm ghê gớm nhưng so với các nước đã là gì đâu. Đừng tưởng vài vụ như Đồng Tâm là mất nước đến nơi rồi. Chính phủ kiến tạo, càng đi vào vụ việc cụ thể mới thấy nó hết sức quan trọng"- ông Việt chia sẻ.
Đồng tình với Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt đánh giá việc quản lý xã hội nói chung còn kém.
"Cát tặc làm đến mức độ cả làng xóm An Giang sụt xuống sông. Cứ đổ cho khí hậu nhưng thực chất là không quản lý được. Khi là cát tặc, lâm tặc, rồi khoáng sản bị khai thác ngày càng cạn kiệt thì việc quản lý xã hội cần phải làm gì? Ta quyết tâm, giao trách nhiệm cho người đứng đầu và xử lý như thế nào? Tôi thấy làm chưa đến nơi đến chốn"- ông Việt thẳng thắn.
"Mổ xẻ" thêm, ông Việt kiến nghị công tác quản lý xã hội phải tăng cường kỷ cương phép nước. "Thủ tướng nói đừng để cán bộ phường xã trở thành đội ngũ như lý trưởng, cường hào mới. Đại bộ phận cán bộ là tốt song lớp lý trưởng, cường hào mới cũng không phải là ít"- ông Việt gay gắt.
Ông Võ Trọng Việt dẫn chứng nhiều đơn từ của dân cứ chạy vòng vo nhưng cuối cùng không được giải quyết. Làm thế nào để xây dựng đội ngũ cán bộ, bổ nhiệm cán bộ đảm bảo chất lượng chứ không thể để mãi tình trạng "người giỏi không được làm, người làm thì không giỏi".
Cùng quan điểm, Trưởng Ban Dân nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng các vấn đề xã hội đề cập rất "mỏng" trong các báo cáo kinh tế -xã hội của Chính phủ từ nhiều năm qua. Bà Hải dẫn ví dụ vấn đề xử lý, thu hồi đất đai thực tế nhiều nơi không đúng quy định pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả dẫn đến những vụ bức xúc như vừa qua.
"Điều đáng nói là công tác tiếp công dân theo quy định 1 tháng/1 lần nhưng qua giám sát thấy rằng Chủ tịch UBND tỉnh qua trung bình tiếp dân 3 lần/năm rồi giao cho các phó chủ tịch tiếp. Việc tiếp công dân chất lượng không cao, thẩm quyền giải quyết có vấn đề"- bà Hải nói.
Bà Hải cho biết chủ tịch huyện có nhiệm vụ tiếp dân 1 tháng 2 lần (24 lần/năm), chủ tịch xã 1 tháng 4 lần (48 lần/năm) nhưng hầu hết là không làm đúng quy định này. Có xã còn giao người không có trách nhiệm tiếp công dân, trong khi việc tiếp công dân lại có vai trò quan trọng trong việc hạn chế những vụ việc bức xúc, làm nóng tình hình, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Quá nhiều "giải cứu" là do quản lý?
Đề cập đến một vấn đề nóng bỏng khác xuất hiện gần đây, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo ngại về một số vụ việc bức xúc trong xã hội và Chính phủ cần có đánh giá. "Chỉ nêu riêng việc thịt heo xuống giá thôi, đây là nỗi đau của chúng ta chứ! Trong khả năng của chúng ta hoàn toàn có thể dự báo, dự đoán, cảnh báo và đưa ra giải pháp tốt hơn" – ông Giàu thẳng thắn.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhìn nhận đây là việc làm cần thiết vì khi nông dân gặp khó khăn thì Chính phủ không thể làm ngơ được. "Có điều với nhiều cuộc giải cứu như vậy thì cần xem lại tầm vĩ mô quản lý đã đúng chưa, khâu dự báo có làm tốt không? Tôi thấy rằng dự báo tốt chưa chắc phải giải cứu thế này" - ông Tỵ thẳng thắn nói và cho rằng nếu dưa hấu, thịt heo có các chuyên môn đánh giá, dự báo tình hình thì sẽ không xảy ra câu chuyện như vừa qua.
Theo ông Đỗ Bá Tỵ, chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 2017 có đến vài cuộc giải cứu là quá nhiều. Ông Tỵ kiến nghị phải đánh giá lại đầu tư, chỉ đạo vĩ mô dài hơi, chủ động hơn để dân đỡ khổ.
"Nếu tính toán, dự báo tốt sẽ hạn chế thiệt hại cho dân. Giải cứu phải do những tình huống lớn, liên quan đến tình hình thế giới, khu vực, liên quan chiến tranh hay thiên tai, chứ thông thường thế này vẫn cần giải cứu thì cần xem lại" – ông Tỵ nhấn mạnh.
Còn ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đặt vấn đề tại sao giá heo người dân bán 20.000 đồng/kg mà siêu thị bán 100.000 đồng/kg?
Bình luận (0)