Tại buổi họp báo hoạt động quý II của Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào sáng 22-7, phóng viên các cơ quan báo chí đã có nhiều câu hỏi xung quanh trách nhiệm của các cá nhân trong việc cấp phép cho dự án Khu Liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương (Formosa) do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư.
Hà Tĩnh chưa nghiêm túc
Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP, cho biết năm 2012, TTCP đã thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư cơ bản và quản lý sử dụng đất đai với một số dự án trên địa bàn Hà Tĩnh, sau đó kết luận thanh tra số 1538 (ngày 3-7-2014) đã được công khai. Formosa là một trong số các dự án được TTCP xem xét ở một số việc cụ thể trong cuộc thanh tra chung này.
Nói về vi phạm của Hà Tĩnh trong cấp phép dự án Formosa lên tới 70 năm trong kết luận thanh tra, ông Khánh nêu rõ TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tùy tình hình thực tiễn đề xuất giải pháp xử lý. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị cho Formosa thuê 70 năm và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Sau này, theo Luật Đầu tư năm 2014, những trường hợp như Formosa mặc nhiên là 70 năm. Nhưng kết luận của TTCP vẫn nêu thời điểm đó Hà Tĩnh làm như thế là chưa đúng quy định pháp luật.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tại thời điểm dự án Formosa sai phạm - ông Khánh khẳng định: “Về kiến nghị xem xét trách nhiệm, chúng tôi không chỉ ra từng cá nhân mà gắn với cấp có thẩm quyền, Ban Quản lý dự án Vũng Áng (nay là Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Hà Tĩnh - PV) phải xem xét xử lý kiểm điểm. Đương nhiên gắn với tên tuổi thời điểm đó thì phải có trách nhiệm, không thể không có trách nhiệm”.
Đối với công tác “hậu” thanh tra, theo ông Khánh, TTCP đã lập tổ kiểm tra việc thực hiện, xử lý các nội dung trong kết luận thanh tra. “Hiện tổ kiểm tra mới kết thúc, đang chờ làm việc lại với Hà Tĩnh để thông báo kết luận đó. Tuy nhiên, có một ý có thể liên quan trực tiếp đến báo chí hỏi, đó là chúng tôi đánh giá bước đầu Hà Tĩnh chưa nghiêm túc. Chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra, có kiến nghị, sẽ đối chiếu xem tại sao thực hiện chưa nghiêm túc và sẽ thông báo chính thức trách nhiệm của những ai thì sẽ gắn trách nhiệm cá nhân cụ thể” - ông Khánh khẳng định.
Sẽ kiến nghị xử lý PVC
Liên quan tới việc Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ đang được Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ, ông Khánh cho biết năm 2011, TTCP thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó có cả PVC. Thời điểm này, ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT của PVC.
“Lúc ông Thanh làm lãnh đạo, PVC thua lỗ 3.300 tỉ đồng như kết luận TTCP công bố. Ngoài ra, PVC còn nhiều vi phạm khác. Trách nhiệm của ông Thanh đã được Tổng Bí thư chỉ đạo làm rõ” - ông Khánh cho hay. Về việc xử lý trách nhiệm của ông Thanh cũng như việc bổ nhiệm, cân nhắc các chức vụ là do các bộ, ngành khác, ông Khánh cho rằng không thuộc trách nhiệm của TTCP.
Nói về các dự án của PVC thực hiện bị “đắp chiếu”, ông Khánh nói TTCP đã thanh tra những sai phạm trong một số dự án lớn như: Nhà máy Nhiên liệu Xăng sinh học (Phú Thọ), Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng). Qua thanh tra bước đầu, PVC có sai phạm trong thi công các dự án này. PVC là nhà thầu thi công chứ không phải chủ đầu tư. Bước đầu, trong dự thảo kết luận đánh giá đơn vị này có những khuyết điểm vi phạm và sẽ kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc tặng 3 danh hiệu cao quý (Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất và Anh hùng lao động) cho PVC chỉ trong 2 năm (2009-2011), ông Hoàng Thái Dương - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (TTCP) - khẳng định TTCP không tham gia hoặc đồng ý với việc khen thưởng các danh hiệu của PVC trong giai đoạn đó. Năm 2011, Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương có gửi văn bản hỏi, TTCP đã trả lời rằng chưa nhận được đơn thư tố cáo và chưa phát hiện vi phạm gì ở PVC trong năm đó.
Tăng cường kiểm soát thông qua tài khoản
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc TTCP thấy gì qua việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội vì nhập quốc tịch nước ngoài? Trong công tác thanh tra, làm sao để ngăn chặn cán bộ tẩu tán tài sản ra nước ngoài?
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng (TTCP), cho biết việc quản lý chi tiêu, chuyển dịch tài sản các giao dịch nước ngoài đang được cơ quan chức năng kiểm tra, tìm kiếm đề xuất các biện pháp, phương tiện quản lý. Đặc biệt, TTCP cũng tham gia vào giám sát những biểu hiện như thế này và sẽ đề xuất cơ chế để phòng ngừa trong Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Một trong những biện pháp đang được đặt ra là tiến tới tăng cường kiểm soát các giao dịch thông qua tài khoản, các giao dịch có liên quan tới yếu tố nước ngoài.
Bình luận (0)