Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ Công Thương vào chiều 7-4, lãnh đạo bộ đã tập trung giải đáp các vấn đề nóng như: khả năng tăng giá điện, kiến nghị giảm lỗ cho các dự án bauxite, lộ trình xây dựng nghị định quản lý xăng dầu…
Cân nhắc kỹ mới điều chỉnh
Trả lời câu hỏi về khả năng tăng giá điện trong năm 2014 của phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, khẳng định chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc điều chỉnh giá điện.
Ông Phúc cho hay việc điều chỉnh giá điện theo quy định sẽ diễn ra sau khi có báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp (DN) để tính toán so sánh cũng như có sự thay đổi các thông số đầu vào cơ bản. “Vấn đề theo dõi các thông số này giao cho EVN. Khi có biến động, EVN sẽ đề xuất tăng giá điện nhưng đến nay vẫn chưa có đề xuất nào và thời gian tới chưa thể tăng giá điện” - ông Phúc khẳng định.
Ông Phúc cũng cho rằng mọi điều chỉnh đều xét đến chỉ số giá tiêu dùng, khả năng chịu đựng của DN cũng như người dân. Về vấn đề cấp điện mùa khô, cơ bản sẽ bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hai dự án bauxite “hoàn toàn khả thi”
Xung quanh 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, ông Bùi Quang Chuyện, khẳng định quyết định đề xuất các chính sách về thuế, phí của Bộ Công Thương thực hiện theo nhiệm vụ do Chính phủ chỉ đạo và hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Về mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đề xuất 0%, ông Chuyện phân tích: “Để sản xuất ra 1 tấn alumin phải sử dụng 5,5-6 tấn bauxite. Như vậy, việc sản xuất từ bauxite sang alumin là tài nguyên khoáng sản đã được chế biến và theo Luật Thuế GTGT thì được áp dụng thuế suất 0%. Nếu chưa chế biến, sản phẩm này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Căn cứ cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất mức thuế 0%”.
Theo ông Chuyện, hiện phí môi trường áp dụng cho các khoáng sản khác chiếm từ 5%-10% chi phí khai thác; trong khi bauxite chịu mức thuế bằng với chi phí khai thác (30.000-50.000 đồng/tấn). Do vậy, bộ đề xuất thu phí môi trường với bauxite ở mức 10% giá thành khai thác.
Đáng lưu ý, theo quan điểm của bộ này, vấn đề giải phóng mặt bằng ở khu vực khai thác bauxite không hợp lý. Lý do là tuy tuổi đời dự án được tính toán 50 năm nhưng thời gian khai thác lại rất nhanh, chỉ từ 3-5 năm. “Chính vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất giải pháp để chủ đầu tư thỏa thuận với người dân tiền đền bù tài sản, hoa màu có trên đất đồng thời thuê lại đất của người dân. Sau 5 năm, người dân có thể sử dụng đất này và cũng giảm được thuế đất đang áp dụng hiện hành” - ông Bùi Quang Chuyện nói thêm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ hoàn toàn khả thi. “Lộ trình đặt ra là 30 năm, trong khi dự án Tân Rai xác định lỗ 5 năm, hoàn vốn 12 năm; dự án Nhân Cơ lỗ theo kế hoạch 7 năm, hòa vốn 13 năm là hoàn toàn nằm trong lộ trình. Hơn nữa, giá bán alumin hiện nay còn thấp và chắc chắn trong tương lai sẽ tăng, thị trường tiêu thụ cũng được đẩy mạnh” - ông Hải tin tưởng.
Ông Hải nói thêm: “Bộ Công Thương đang xin cơ chế cổ phần hóa 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ. Tuy nhiên, vấn đề cổ phần hóa sẽ tùy theo thực tế, không nhất thiết phải có lãi mới cổ phần hóa bởi dù lỗ nhưng nếu thấy dự án khả thi thì vẫn cổ phần hóa được”.
Tăng giá vào giờ hiểm thì “thuận tiện hơn” (!)
Tại cuộc họp báo, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho rằng việc tăng, giảm giá xăng dầu vào giờ “hiểm” như sau 20 giờ, thậm chí vào nửa đêm, nhằm thuận tiện hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh (!).
“Không thể tăng giá trong ngày để bắt người dân xếp hàng dài chờ đợi kiểm kê hàng tồn, vào sổ sách… Trước đây, đúng là có một vài lần điều hành giá vào ban ngày nhưng qua thực tiễn, liên bộ lựa chọn giờ tăng giá như thế để thuận lợi cho người kinh doanh, quản lý hàng tồn, quản lý và làm sổ sách và tạo điều kiện để phục vụ người dân” - ông Quyền giải thích.
Bình luận (0)