“Qua phân tích không hề phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo. Hàm lượng titan, asen, chì... đều không có” - ông Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, mẫu gạo ông đưa đi phân tích được lấy tại trụ sở UBND xã Phước Trà. “Số gạo còn lại ở UBND xã khoảng 200 kg. Chúng tôi lấy mỗi bao một ít rồi trộn lại chia thành 3 mẫu. Một mẫu lưu tại huyện, một mẫu lưu tại cơ quan và một mẫu gửi đi phân tích” - ông Dũng xác nhận.
Sau khi nhận kết quả phân tích, để chắc chắn hơn, sáng cùng ngày, ông Dũng đã trực tiếp đến nhà các hộ dân bị ngộ độc tại thôn 6, xã Phước Trà để ghi nhận tình hình. Những người này khẳng định họ có chung triệu chứng nôn, tiêu chảy sau khi ăn cơm nấu từ gạo từ thiện. Người dân cho biết ngoài gạo, phần quà họ nhận còn có 1 gói bột giặt đựng trong túi ni-lông, không có nhãn hiệu. Khi nghe người dân cho biết họ vo gạo thì thấy có bọt nổi lên y như bọt xà phòng, ông Dũng đã lấy một mẫu gạo khác vo thử nhưng không thấy biểu hiện như người dân phản ánh.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho rằng với kết quả phân tích như trên chưa thể khẳng định trong gạo không có chất gây ngộ độc bởi việc phát hiện chất độc trong gạo là cực kỳ khó. Phòng thí nghiệm chỉ phân tích mẫu theo yêu cầu của khách hàng. Nếu muốn xác định được tất cả độc tố rất tốn kém. Hơn nữa, mẫu gạo lấy đi phân tích không phải lấy từ nhà những người dân bị ngộ độc thì cũng khó cho ra kết quả chính xác.
Bình luận (0)