Kể từ 1-7, các phòng công chứng tại TPHCM không còn chứng bản dịch mà chuyển về cho UBND quận huyện. Khi đến quận huyện, người dân được cán bộ cho xem danh sách cộng tác viên dịch thuật niêm yết tại đây, thích cộng tác viên nào thì tự liên hệ với người đó để nhờ dịch.
Trước đây, khi người dân có nhu cầu chứng bản dịch, cán bộ phòng công chứng sẽ tiếp nhận hồ sơ và chuyển cho các cộng tác viên dịch thuật. Việc thu lệ phí dịch thuật, phí công chứng đều dựa trên qui định của UBND TPHCM.
Qui định mới giao thẩm quyền chứng bản dịch cho quận huyện nhưng lại không đề cập việc các địa phương được tổ chức đội ngũ cộng tác viên dịch thuật. Sở Tư pháp TPHCM đã có công văn đề nghị các quận huyện sử dụng lại đội ngũ cộng tác viên phiên dịch của các phòng công chứng để giới thiệu cho người dân. Tuy nhiên, có quận chỉ đưa danh sách hơn chục phiên dịch viên các tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật, Nga..., còn những ngoại ngữ không thông dụng khác như Thái Lan, Campuchia, Tây Ban Nha... lại không có.
Muốn thu bao nhiêu thì thu!
Việc lấy phí, giá cả dịch thuật hiện nay cũng đang gây bức xúc cho người dân. Anh Trần Đức Tiến (ngụ quận 6) cho biết do cần gấp giấy tờ để bổ túc hồ sơ xin visa cho một chuyến công tác nước ngoài, anh đến một phiên dịch viên tiếng Anh trên đường Lý Chính Thắng, quận 3 để dịch thì được báo giá tổng cộng trên 800.000 đồng. Trong khi đó cũng với các giấy tờ này, trước đây anh Tiến dịch ở phòng công chứng thì chỉ mất khoảng 200.000 đồng.
Tại các phòng công chứng, đối với hồ sơ đơn giản (hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng cấp, chứng chỉ...), lệ phí dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt chỉ khoảng 30.000 đồng/trang.
Hiện nay, hầu hết công ty dịch thuật, văn phòng luật sư (có nhận dịch thuật) đều đưa ra giá gấp đôi, tức trên 60.000 đồng/trang. Còn đối với các loại ngoại ngữ hiếm, văn bản phức tạp, nhiều chữ như bản án, quyết định của tòa, cơ quan hành chính, các văn bản thỏa thuận, hợp đồng... thì giá dịch thường phải trên 100.000 đồng/trang A4.
Tại một số công ty luật hoặc công ty dịch thuật lớn, giá dịch thuật còn bị đẩy lên tới vài chục USD/trang (khoảng 200.000-500.000 đồng/trang).
Ngoài việc phải trả tiền phí dịch thuật tăng cao, mức lệ phí chứng bản dịch do các quận huyện thu cũng tăng gấp đôi so với trước đây. Theo giải thích của các quận huyện, vì lệ phí công chứng bản dịch khi chuyển về cho quận huyện thì thực hiện theo qui định về lệ phí “chứng thực chữ ký cá nhân” nên mức thu là 10.000 đồng/hồ sơ (gấp đôi trước đây).
Theo ông Trần Thanh Minh, Phó Phòng tư pháp quận Tân Bình, bất hợp lý trong vấn đề chứng bản dịch hiện nay là việc UBND quận huyện không được tổ chức, quản lý đội ngũ cộng tác viên dịch thuật như các phòng công chứng. Giá cả dịch thuật do các bên tự thỏa thuận, quận huyện chỉ thu lệ phí chứng thực chữ ký người dịch. Chính vì vậy mới có tình trạng các phiên dịch viên muốn “hét” giá bao nhiêu với khách hàng thì tùy.
Không phải giỏi ngoại ngữ là dịch được
Qui định mới về bản dịch có vẻ thoáng hơn khi cho phép bất cứ ai thông thạo ngoại ngữ cũng có thể được dịch. Phòng tư pháp quận huyện có trách nhiệm đóng dấu xác nhận chữ ký trên bản dịch là của người dịch.
Tuy nhiên, hiểu thế nào là người “thông thạo ngoại ngữ” lại không được qui định cụ thể. Giải quyết vướng mắc này, UBND TPHCM đã có chỉ thị hướng dẫn tiêu chuẩn của người dịch. Theo đó, người dịch phải chứng minh được mình thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch bằng cách xuất trình bằng đại học ngoại ngữ hoặc có bằng đại học khác mà thông thạo tiếng nước ngoài.
Anh Nguyễn Đình Thăng (ngụ quận 10) cho biết anh đã sống và làm việc tại Đức hơn mười năm và rất thạo tiếng Đức. Mới đây, có người nhờ anh dịch giùm mấy giấy tờ từ tiếng Đức sang tiếng Việt, khi anh đến phòng tư pháp quận để chứng thực chữ ký thì không được chấp thuận.
Theo giải thích của phòng tư pháp quận, dù ai đó từng có thời gian học tập, làm việc tại nước ngoài và thông thạo ngoại ngữ nhưng nếu không xuất trình được bằng đại học thì cũng không được chứng bản dịch. Việc qui định này đã hạn chế nhiều người thông thạo ngoại ngữ được quyền dịch văn bản, tạo ra sự “độc quyền” dịch thuật của các công ty dịch thuật, phiên dịch viên.
Theo ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng Phòng công chứng số 2, cách làm trước đây của các phòng công chứng thuận tiện hơn nhiều; đồng thời mức thu phí, lệ phí được quản lý thống nhất, không có chuyện phí cao thấp khác nhau hoặc gặp phải tình trạng phiên dịch viên tự do “làm giá”.
Ông Trần Thanh Minh cho rằng việc giao cho UBND quận huyện danh sách cộng tác viên mà không có cơ chế cho quận huyện tổ chức, quản lý đội ngũ cộng tác viên dịch thuật là nguyên nhân dẫn đến việc người dân phải trả phí dịch thuật cao một cách vô lý.
Bình luận (0)