Với 8 người xin việc vào được vòng 2, qua kiểm tra tiếng Anh chỉ còn lại 3 người đạt yêu cầu dù ai cũng có chứng chỉ C tiếng Anh...” - bà Trần Thị Đường, nguyên giám đốc Công ty Dệt Phong Phú, phàn nàn về trình độ ngoại ngữ của người xin việc so với chứng chỉ mà họ đã được cấp. Thạc sĩ Đào Đức Tuyên, Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ ĐH Nông Lâm TPHCM, thừa nhận: “Độ tin cậy của chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C đối với nhà tuyển dụng rất thấp. Họ yêu cầu có chứng chỉ này chẳng qua là để gạn lọc hồ sơ và vẫn phải tổ chức phỏng vấn nhiều vòng”.
“Người trong nhà” cũng tẩy chay
Thạc sĩ Đào Đức Tuyên cho rằng: Không chỉ có nhà tuyển dụng mà các trường ĐH cũng không còn mấy tin cậy vào giá trị chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C do chính trường mình cấp. Độ tin cậy của chứng chỉ này quá thấp.
Ông Huỳnh Kim Tín, phụ trách Phòng Đào tạo ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, nói: Các năm trước, trường cho phép sinh viên không học tiếng Anh tại trường được nộp chứng chỉ ngoại ngữ B để tốt nghiệp, nhưng gần đây trường buộc sinh viên phải học tại trường do không tin tưởng vào chất lượng các chứng chỉ sinh viên nộp về.
Đây là điều vô cùng phi lý vì một trung tâm ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức thi cấp chứng chỉ là bộ đã công nhận giá trị quốc gia của chứng chỉ rồi thì tại sao trường ĐH này lại không công nhận chứng chỉ của trường ĐH kia?
Ba nguyên nhân
Điều phi lý nói trên được nhiều giảng viên tiếng Anh các trường ĐH lý giải bằng 3 nguyên nhân: Thứ nhất: Bộ tiêu chí đánh giá chứng chỉ A, B, C của Bộ GD-ĐT quá chung chung, khiến các cơ sở đào tạo khá tự do trong việc biên soạn đề thi, tổ chức thi, đưa đến sự chênh lệch trong cùng trình độ giữa trung tâm này và trung tâm khác. Thứ hai: Có quá nhiều cơ sở được phép tổ chức thi cấp chứng chỉ A, B, C như trung tâm ngoại ngữ các trường ĐH, CĐ, Sở GD-ĐT... thậm chí các đơn vị không được phép cũng cố liên kết với đơn vị có phép để làm, trong khi quản lý của bộ không chặt chẽ. Thứ ba: Các cơ sở cạnh tranh nhau, tổ chức luyện thi và ra đề thi bám sát vào nội dung đã luyện thi nhằm thu hút người học làm mất uy tín và giá trị của chứng chỉ quốc gia.
Cũng cần nói thêm, Bộ GD-ĐT ban hành bộ tiêu chí về thi chứng chỉ A, B, C từ năm 1994 với quy định về mục tiêu đào tạo và yêu cầu cần đạt cho từng kỹ năng ngôn ngữ chủ yếu của từng cấp độ. Tuy nhiên, bộ tiêu chí này đã lạc hậu cả về nội dung lẫn phương pháp dạy và học. Ví dụ như việc chú ý quá nhiều đến cấu trúc ngữ pháp có thể làm chậm đi khả năng giao tiếp nghe, nói.
Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế
Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, cho rằng: “Bộ GD-ĐT cần xem lại liệu chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C còn phù hợp trong thời kỳ hội nhập? Vì các nước không biết mà cũng không ai thừa nhận chứng chỉ này. Học tiếng nước ngoài mà không theo chuẩn của họ thì làm sao hội nhập. Chúng ta dạy tiếng Anh cần theo tiêu chuẩn quốc tế”. Ngoài ra, hệ thống đánh giá A, B, C có hạn chế là không định lượng được. Ví dụ: với chứng chỉ TOEFL phổ điểm phân loại trình độ người học khá chi tiết từ 200 đến 677 điểm, trong khi chứng chỉ A, B, C chỉ có 3 cấp độ nhưng lại rất khác nhau giữa các trung tâm do cách ra đề và tổ chức thi như đã nêu trên.
Thạc sĩ Trần Thanh Hải đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng tiêu chí đánh giá mới cho chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C theo chuẩn quốc tế để được quốc tế thừa nhận.
Cách làm của ĐH Quốc gia TPHCM phối hợp với ĐH Cambridge (Vương quốc Anh) cho ra đời chứng chỉ tiếng Anh mới EICAS đạt trình độ quốc tế cũng là lối ra cho việc các cơ sở đào tạo Việt Nam cấp chứng chỉ ngoại ngữ được quốc tế công nhận.
Thạc sĩ Đào Đức Tuyên, Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ ĐH Nông Lâm TPHCM: 4 việc cần làm để “nâng cấp” chứng chỉ A, B, C - Bộ GD-ĐT cần có một bộ tiêu chí đánh giá mới, chi tiết, dựa trên nghiên cứu khoa học về lĩnh vực ngoại ngữ, có tham khảo bộ tiêu chí đánh giá của các tổ chức kiểm định quốc tế. - Đề nghị tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín công nhận chứng chỉ ngoại ngữ theo tiêu chí mới này để chứng chỉ của ta được hội nhập. - Thành lập trung tâm khảo thí thống nhất việc kiểm tra, đánh giá cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia với nhiều địa điểm thi và thời gian tổ chức thi linh động. - Ngân hàng đề thi cần được biên soạn theo quy trình khoa học, có sự tham gia biên soạn của các trường ĐH. |
Bình luận (0)