“Phong trào nhân dân yêu chuộng hòa bình sâu rộng trên thế giới là một nhân tố rất quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân VN, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhân dân VN luôn ghi lòng tạc dạ tình đoàn kết, sự ủng hộ và giúp đỡ đó của bè bạn khắp năm châu và mong muốn các bạn tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay”. Phát biểu của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong cuộc “Gặp gỡ với Việt Nam” diễn ra sáng 9-9 tại Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của hàng trăm đại biểu quốc tế tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEM, những người bạn quốc tế đã quen thuộc với cái tên “Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
. Đoàn kết: Diễn đàn nhân dân ASEM 5 có mặt rất nhiều bạn bè cũ và bạn bè mới của VN. Bên cạnh tình cảm cũ, bạn bè quốc tế đã có thêm sự hiểu biết mới về VN. Điều này tạo dựng cho hoạt động đoàn kết, ủng hộ VN trong tình hình mới như ủng hộ VN đấu tranh chống lại các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, dân tộc để chống phá VN; ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam; ủng hộ VN đấu tranh vì một nền thương mại công bằng như các tổ chức đã lên tiếng ủng hộ VN trong vụ kiện bán phá giá cá tra, basa hay tôm... (Ý kiến của ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị VN) |
Biểu tượng của hòa bình thế giới.- Các bạn hỏi vì sao các đại biểu tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 có mối quan tâm đặc biệt như vậy tới VN ư? Ông Achin Vanaik, người Ấn Độ, thuộc Liên minh Hòa bình châu Á, nói như hỏi lại chúng tôi. “Phần lớn những người thuộc thế hệ trên 50 tuổi như chúng tôi đều đã từng sống trong bầu không khí sục sôi của các cuộc biểu tình chống chiến tranh của Mỹ tại VN những năm 1960 và 1970. Ở New Delhi, Calcutta hay Bombay... hàng triệu người dân Ấn Độ đã xuống đường hô vang các khẩu hiệu phản đối chiến tranh, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập tự do của dân tộc VN”. Chia sẻ những tình cảm của ông Vanaik, bà Jeannie Manipon, Giám đốc Tổ chức ARENA, nói: “Cuộc đấu tranh giành độc lập đầy hy sinh song cũng rất đỗi anh hùng của nhân dân VN đã có ảnh hưởng rất quan trọng tới định hướng chính trị của tôi. Tôi và thế hệ chúng tôi đã học hỏi rất nhiều điều từ cuộc đấu tranh anh dũng và quả cảm của các bạn”.
Vào những thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của một dân tộc nhỏ bé và lạc hậu như VN chống lại đế quốc hùng mạnh nhất hành tinh đã có sức lay động và cổ vũ lòng người to lớn. “Nhân dân yêu chuộng hòa bình và có lương tri trên thế giới, ở nhiều quốc gia, nhiều dân tộc đều đã sát cánh lại trong phong trào đấu tranh chống cuộc xâm lược của Mỹ, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân VN”-ông Thanasis Pafilis, Tổng Thư ký Hội đồng Hòa bình Thế giới nói. “VN đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, biểu tượng của phong trào hòa bình thế giới” - ông Pafilis nêu rõ.
Điểm sáng trong phát triển.- “Các thành tựu mà Chính phủ và nhân dân VN đã đạt được trong những năm gần đây là hết sức đáng chú ý đối với một đất nước vừa ra khỏi hai cuộc chiến tranh lâu dài chống lại những kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cách mà các bạn đã tái thiết và xây dựng lại đất nước là một hiện tượng phi thường. Những thành tựu trong sản xuất lúa gạo, trong phát triển xã hội và xóa đói giảm nghèo cũng rất phi thường. Nhiều nước cần học tập VN trong những lĩnh vực này”, ông Charles Santiago - Giám đốc điều hành tổ chức “Monitoring the Sustainability of Globalisation” và là thành viên Ủy ban Tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEM - nhìn nhận về công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của VN sau mấy chục năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Điều gì là cốt lõi tạo dựng lên những thành tựu của VN hôm nay? Theo những giới thiệu, giải thích ngắn ngọn và súc tích của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; bà Phạm Chi Lan; ông Trần Đắc Lợi, Tổng Thư ký Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị VN, tại buổi “Gặp gỡ với Việt Nam”, đó là công cuộc đổi mới được Đảng và Nhà nước VN khởi xướng từ năm 1986. Những thành tựu đó được khởi nguồn từ chính sách “Đổi mới”, chính sách đang được “Do More” (Làm nhiều hơn nữa), theo cách nói của bạn bè quốc tế, để điểm sáng VN tiếp tục tỏa sáng.
Lại kết đoàn bên Việt Nam.- Những hình ảnh, cảnh ngộ thương tâm cùng nỗi đau khôn tả mà các trẻ em VN là những nạn nhân của chất độc da cam đang tiếp tục phải gánh chịu dù cuộc chiến tranh đã qua đi ngót 3 thập kỷ xuất hiện trong bộ phim phóng sự chiếu vào đêm 8-9 bế mạc Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 làm xúc động lòng người. Chiến tranh đã lùi xa song những hậu quả nặng nề của nó vẫn hiện hữu trong đời sống hôm nay của người dân VN, những nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo. “Tôi đã không cầm được nước mắt khi lần đầu tiên nhìn thấy những trẻ em VN là nạn nhân chất độc da cam. Từng xuống đường để phẫn nộ lên án máy bay ném bom chiến lược B-52 rải thảm xuống các khu dân cư, nhưng tôi thật sự bị sốc khi lần đầu tiên nhìn thấy các nạn nhân chất độc da cam ở VN. Nỗi đau đớn giáng xuống cuộc đời họ thật khó có ai chịu đựng được”- ông Len Aldis, người sáng lập trang web:http://www.petitiononline.com/AOVN - trang web ký tên ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam VN, xúc động bày tỏ - “Tôi cho rằng sự ra đời của trang web này như một quả bom dội vào sự thờ ơ và vô trách nhiệm bấy lâu nay của chính phủ và các công ty sản xuất chất độc hóa học Mỹ. Đến nay, trang web đã được hơn 500.000 người ký tên ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ và tôi tin tưởng chắc chắn rằng sẽ có hơn 1 triệu chữ ký ủng hộ. Lương tri cần được đánh thức để công lý được làm sáng tỏ”.
Nhìn nhận về nỗi bất công khác mà những người dân VN đang phải gánh chịu hiện nay, đại diện của tổ chức Action Aid toàn cầu bức xúc về vụ kiện bán phá giá cá tra, cá basa và tôm đầy phi lý và bất công. “VN có bán phá giá cá tra, cá basa hay tôm vào thị trường Mỹ không? Các cuộc điều tra độc lập ở nhiều vùng tại VN của chúng tôi đã chứng minh không hề có chuyện đó như các cáo buộc phi lý của các chủ trại nuôi cá da trơn hay đánh bắt tôm ở Mỹ. Thế nhưng, thực tế thì sao? Đời sống của hàng triệu nông dân VN đã bị ảnh hưởng do các phán quyết phi lý, bất công từ phía Mỹ” - đại diện Action Aid lên tiếng.
“Nhân dân VN luôn nghĩ rằng nhân dân tất cả các nước đều có chung nguyện vọng là hòa bình, phát triển và quan hệ hữu nghị với nhau trong một thế giới không có chiến tranh, bạo lực, áp bức và bất công. Nhân dân VN mong muốn cùng nhân dân các nước đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp đó”. Tất cả bạn bè quốc tế tham dự cuộc “Gặp gỡ với Việt Nam” đã nồng nhiệt vỗ tay câu nói đó của bà Nguyễn Thị Bình.
Bình luận (0)