xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chương trình giảm nghèo là thành tựu tự hào của TPHCM

Phan Anh

(NLĐO) - Nói về chương trình giảm nghèo, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải khẳng định đây là một điểm sáng, một thành tựu đáng tự hào và là nguồn động viên lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; xứng đáng mang tên Bác Hồ kính yêu

Sáng 21-3, UBND TP HCM đã tổng kết giai đoạn 3 (2009-2015) trước thời hạn và triển khai Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014-2015.

Qua 5 năm thực hiện, tổng số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập 12 triệu đồng/người/năm giảm từ 152.328 hộ vào đầu năm 2009 xuống còn 14.000 hộ vào cuối năm 2013; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 8,4% xuống còn 0,71% trên tổng số hộ dân.

Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015; hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 3 trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần IX đề ra. Số hộ nghèo diện khó khăn đặc biệt của thành phố được theo dõi, chăm lo kịp thời nên giữ vững mức sống, không giảm sút thu nhập và tái nghèo.

Phát huy kết quả trên, thành phố đã xác định chuẩn nghèo theo tiêu chí mới là 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, không phân biệt nội thành hay ngoại thành; hộ cận nghèo có mức thu nhập bình quân từ trên 16 triệu đồng đến 21 triệu đồng/người/năm trong giai đoạn 2014-2015.

Như vậy, theo tiêu chí mới thì thành phố có khoảng 130.000 hộ nghèo, chiếm 7,12% tổng hộ dân và khoảng 50.000 hộ cận nghèo, chiếm 2,73% tổng hộ dân. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% và hộ cận nghèo còn dưới 3% tổng hộ dân.

Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo.

Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo.

Báo Người Lao Động xin đăng toàn văn bài phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, tại hội nghị tổng kết và triển khai chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TP HCM:

Thưa các anh, chị, em vừa vượt qua mức thu nhập thuộc hộ nghèo hoặc đang bền bỉ vượt nghèo!

Thưa các đồng chí, các đại biểu!

Hôm nay, cùng với đồng chí và đồng bào thành phố, tôi rất vui mừng, trước thành quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 3 trên địa bàn thành phố chúng ta; đồng thời, chia sẻ, đồng cảm, trách nhiệm với một bộ phận nhân dân còn đang đương đầu với rất nhiều khó khăn, trăn trở tìm cách giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, tôi chúc các đồng chí, các anh chị, các vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc; xin gửi lời biết ơn và tình cảm quý trọng đến các tổ chức, cá nhân tâm huyết, nhiệt thành, bằng những hành động, nghĩa cử cao đẹp đã bền bỉ ủng hộ, góp phần quý báu vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 20 năm qua và đã mang lại hiệu quả tích cực.

Từ Chương trình “Xóa đói, giảm nghèo” được khởi xướng và kiên trì thực hiện vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước; đến nay là Chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá”, cuộc hành trình chống đói nghèo của thành phố đã trải qua 3 giai đoạn, với quyết tâm chính trị cao của Thành ủy các nhiệm kỳ và cả hệ thống chính trị các cấp, được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân thành phố, sự chung sức của các vị chức sắc tôn giáo, các doanh nghiệp,… đã tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi động, rộng khắp, liên tục, ngày càng phát triển cả về chất lượng và quy mô; thời gian thực hiện được rút ngắn và mức chỉ tiêu thu nhập tăng lên; mức thu nhập để xác định diện hộ nghèo luôn kịp thời được điều chỉnh nhiều lần trong hơn 20 năm qua để sát với tình hình phát triển kinh  tế - xã hội, biến động của giá cả và tiếp cận chuẩn nghèo khu vực và thế giới.

Bí thư Thành Ủy TP HCM Lê Thanh Hải:

Bí thư Thành Ủy TP HCM Lê Thanh Hải: Chương trình giảm nghèo là một thành tựu đáng tự hào và là nguồn động viên lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân TP HCM

Đảng bộ, chính quyền thành phố đã tiến hành nhiều giải pháp căn cơ, trở thành chính sách xã hội ổn định và lâu dài; thành phố chúng ta đã đặt vấn đề giảm nghèo của một bộ phận nhân dân trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; không dừng lại ở việc trợ vốn, học nghề, giải quyết việc làm mà còn gắn kết với chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật -  xã hội, nhà ở, chính sách học phí, viện phí, v.v… tăng điều kiện tiếp cận cơ hội học tập, chữa bệnh của người nghèo, hộ nghèo nội thành, vùng ven và nông thôn thành phố. Một trong những thành quả đặc biệt quan trọng và là nguyên nhân thành công là cả hệ thống chính trị thành phố đã khơi dậy ý thức tự lực, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên của người nghèo, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tình tương thân, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào rất tốt đẹp, đặc trưng văn hóa, truyền thống nhân văn của dân tộc ta, của thành phố ta.

Chúng ta nhớ lại, 5 năm trước đây, khi bước vào giai đoạn 3 của Chương trình giảm nghèo, trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, thách thức, bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và những yếu kém nội tại của nền kinh tế nước nhà; có thời điểm doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, có doanh nghiệp phải giải thể, số người mất việc làm tăng lên; Đảng bộ, chính quyền thành phố cùng các doanh nghiệp đã chung sức chèo chống, xoay sở để gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm mới, góp phần tích cực kiềm chế lạm phát, tăng hỗ trợ cho người nghèo; cả hệ thống chính trị tập trung sức, rất nhiều sáng kiến xuất phát từ cơ sở để thực hiện chính sách an sinh xã hội. Nhờ vậy, trong 5 năm vừa qua, thành phố đã chăm lo cho trên 130.000 hộ nghèo vượt qua mức thu nhập 12 triệu đồng/người/năm, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo thành phố từ 8,4% vào đầu năm 2009 xuống còn 0,57% vào cuối năm 2013; đặc biệt có 11 quận và 178 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo tại địa phương; kết thúc giai đoạn 3 (2009-2015) của Chương trình sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ thành phố đề ra.

Từ những kết quả đạt được, chúng ta có cơ sở khẳng định tính đúng đắn của chủ trương hợp lòng dân, vì dân, do dân, của dân, thể hiện bản chất chế độ xã hội tốt đẹp, tăng cường mối quan hệ máu thịt của Đảng với nhân dân; khẳng định Chương trình giảm nghèo của thành phố luôn là một điểm sáng, một thành tựu đáng tự hào và là nguồn động viên lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; xứng đáng mang tên Bác Hồ kính yêu.

Nhân Hội nghị này, tôi thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, đánh giá cao và biểu dương những kết quả của Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3, đã đóng góp có hiệu quả vào thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố; đặc biệt là góp phần làm giảm bớt khoảng cách giàu nghèo trong tầng lớp dân cư, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tôi nhiệt liệt biểu dương ý chí bền bỉ, tinh thần quyết tâm tự vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố; hoan nghênh sự nỗ lực không ngừng phấn đấu với tinh thần chủ động, sáng tạo trong các hoạt động giảm nghèo, vì trách nhiệm, tấm lòng với nhân dân của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức xã hội; tôi chân thành cảm ơn sâu sắc những tình cảm tốt đẹp, nghĩa cử cao quý của các tổ chức, đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm đã ủng hộ, cùng tham gia Chương trình giảm nghèo của thành phố suốt chặng đường hơn 20 năm với biết bao khó khăn phải vượt qua.

Thưa các anh chị, các đồng chí!

Nhìn lại những chặng đường đi qua của Chương trình giảm nghèo, từ đáy lòng mình, chúng ta tưởng nhớ, biết ơn, tri ân những đóng góp hết sức quý giá, học tập tư duy và phong cách của hai đồng chí cố vấn Chương trình xóa đói, giảm nghèo thành phố: Đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; đồng chí Võ Trần Chí, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy. Chú Năm Xuân, Anh Hai Chí kính mến của chúng ta, của người nghèo thành phố, đã dành hết tâm huyết, tấm lòng và trí tuệ trong suốt thời gian nghỉ hưu để tập trung lo cho Chương trình giảm nghèo thành phố; chúng ta luôn ghi nhớ và tiếp tục thực hiện những mong muốn tâm huyết của hai đồng chí Cố vấn Chương trình đối với sự nghiệp giảm nghèo trong xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố thân yêu của chúng ta.

Thưa các đại biểu, các anh chị, các đồng chí!

Báo cáo tổng kết giai đoạn 3 của TBND TP HCM thể hiện sự nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá, phân tích những ưu điểm, tiến bộ, hạn chế, khuyết điểm và tìm ra nguyên nhân của mặt được và chưa được ở cả khách quan và chủ quan, đúc kết rút ra những kinh nghiệm thực tiễn quý báu; đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015 phù hợp với chủ trương của cấp trên và của Hội nghị Thành ủy lần thứ 16 khóa IX. Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi chân thành cảm ơn đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, thay mặt đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về dự và phát biểu với hội nghị của chúng ta với những nhận định xác đáng và những ý kiến chỉ đạo quan trọng.

Sau đây, tôi nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm :

-Thứ nhất, thành phố chúng ta quyết tâm kết thúc sớm giai đoạn 3 trước thời hạn 2 năm, chuyển sang giai đoạn 2014 - 2015 với mức thu nhập để xác định hộ nghèo nâng lên không phải chạy theo chỉ tiêu, thành tích mà thực chất là nhằm yêu cầu sát với giá trị thu nhập thực tế của người nghèo (trong 5 năm qua bị trượt giá đến 40%); nhằm hạn chế nguy cơ tái nghèo và nâng hiệu quả giảm nghèo thật sự bền vững.

-Thứ hai, mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2014 - 2015 với mức thu nhập xác định hộ nghèo từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống và thu nhập của hộ cận nghèo trên 16 đến 21 triệu đồng/người/năm, không phân biệt nội thành hay ngoại thành là tiếp cận với chuẩn nghèo của các nước khu vực Đông Á (theo khuyến nghị của Ngân hàng thế giới là những người có thu nhập từ 2USD/ngày trở xuống), cao gần 3 lần chuẩn nghèo quốc gia 2011 - 2015 và  được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình chung của cả nước và thành phố vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Đây là trách nhiệm thật nặng nề và là thách thức to lớn đối với Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố chúng ta.

-Thứ ba, giảm nghèo bền vững là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và thành phố chúng ta, không chỉ đơn thuần là một chương trình mục tiêu mà cùng lúc phải trở thành phong trào hành động cách mạng rộng lớn của toàn dân cùng đồng thuận, hưởng ứng. Thực tiễn cho thấy, nếu sự nghiệp giảm nghèo thực sự trở thành sự lo toan, chia sẻ, phối hợp thực hiện chung của toàn xã hội, phát huy được nghị lực, ý chí vươn lên tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, tích lũy, giảm nghèo của từng người, từng hộ nghèo, phát huy sự chủ động và huy động mạnh mẽ nguồn lực về vốn, đất đai, kinh nghiệm làm ăn, kỹ năng lao động,v.v… của từng cấp, từng ngành, từng tổ chức, cá nhân, trong các tầng lớp nhân dân sẽ làm cho sức mạnh của phong trào được nâng lên cao nhiều lần; tạo điều kiện cho Chương trình phát triển nhanh hơn và bền vững.

Trong Hội nghị này, chúng ta xúc động và cảm phục khi trực tiếp được nghe những tâm sự, bộc bạch của các anh, chị hộ nghèo đã phấn đấu vươn lên giảm nghèo, vượt nghèo bằng niềm tin, ý chí và nghị lực của chính mình. Tôi yêu cầu các quận - huyện, phường - xã quan tâm chọn lọc, xây dựng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, những gương vượt nghèo tiêu biểu để vận dụng và phát huy cho được những kinh nghiệm quý từ cách làm ăn sinh lợi, để bà con có thể giúp đỡ, hướng dẫn lại cho những hộ trong Chương trình biết cách vươn lên trong cuộc sống và cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác. Đây chính là cái vốn quý nhất, là những nhân tố tích cực, bằng những việc làm thực tiễn với những kết quả cụ thể, có tính thuyết phục nhất, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giảm nghèo ở từng địa phương, từng đơn vị cơ sở.

-Thứ tư, giảm nghèo bền vững phải thấu suốt chủ trương thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển; phải được kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên từng địa bàn; đặc biệt gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới, dạy nghề cho lao động ở nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế,… đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở vùng nông thôn thành phố, tập trung đầu tư phát triển khu vực nông thôn, giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị, giữa các tầng lớp dân cư.

-Thứ năm, giảm nghèo bền vững cần phải tập trung hỗ trợ chăm lo bảo đảm ngày càng tốt hơn những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người nghèo, hộ nghèo, nhất là bữa ăn, mặc, ở, tiếp cận điều kiện học tập, chữa bệnh, tạo việc làm; đặc biệt quan tâm ưu tiên cho các hộ diện chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ, đồng thời từng bước cải thiện điều kiện sống, mức sống, chất lượng cuộc sống các hộ cận nghèo để chống tái nghèo bền vững; chú trọng các biện pháp nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập.

-Thứ sáu, trong rất nhiều giải pháp, cách làm để giúp cho một hộ nghèo, một nhóm hộ nghèo hoặc một khu phố - ấp, xã - phường hoàn thành được mục tiêu giảm nghèo cần tiếp tục đẩy mạnh biện pháp hỗ trợ về cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ; gắn với hướng dẫn khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề, đào tạo nghề theo hướng điều chỉnh chọn lọc các ngành nghề có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển  kinh tế - xã hội từng khu vực (nội thành, đô thị hóa, nông thôn thành phố) và theo quy mô, điều kiện, khả năng của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổ chức tư vấn nâng cao kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động, thay đổi các tập quán của người nghèo, hộ nghèo trong cách sản xuất, làm ăn và sinh hoạt gia đình, quan hệ xã hội. Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả theo hướng phát triển kinh tế hợp tác, khuyến khích hình thành và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm tập trung đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và đảm bảo tích lũy cho người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo. Tăng cường sự tham gia của người dân, nhất là của người nghèo, hộ nghèo và việc kiểm tra, giám sát, hoạt động xây dựng kế hoạch giảm nghèo của các địa phương, cơ sở.

-Thứ bảy, cần phát huy, nhân rộng kinh nghiệm về vai trò lãnh đạo của các chi bộ ấp - khu phố trực tiếp chăm lo cho dân nghèo, đảng viên phải nêu cao vai trò gương mẫu, tiền phong, có trách nhiệm đầy đủ với đồng bào nghèo cả tấm lòng, tâm huyết, tình thương yêu thật sự; có cách làm sáng tạo như đăng ký tự nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho hộ nghèo tại địa phương, địa bàn dân cư hoặc nơi đơn vị đang hoạt động, v.v,… Kết quả giảm nghèo bền vững là một nội dung lãnh đạo, thước đo của việc sát dân, vì dân, chăm lo nhân dân để xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh; đồng thời, tiếp tục phát huy đúng mức vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên; mỗi tổ chức đều có thế mạnh và cách làm riêng, tạo nên tính đa dạng trong các hoạt động giảm nghèo bền vững; cần thường xuyên trao đổi bổ sung cho nhau những kinh nghiệm quý trong các hoạt động trợ giúp chăm lo người nghèo; mỗi tổ chức đều có trách nhiệm với thành viên, hội viên trong diện của Chương trình giảm nghèo bền vững của tổ chức mình. Chính vì thế, các tổ chức đoàn thể chính là nhân tố nồng cốt, có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp giảm nghèo ở từng địa phương, đơn vị  cơ sở. Qua hoạt động giảm nghèo ở cơ sở, chú ý phát hiện, bồi dưỡng và phát triển lực lượng chính trị nòng cốt, kết nạp vào Hội, vào Đoàn, vào Đảng.

Thưa các đồng chí, các anh chị, các vị đại biểu!

Với việc hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 3 đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Điều đó thật hết sức phấn khởi, mang lại cho tất cả chúng ta hạnh phúc, niềm vui, niềm tin vì chăm lo có hiệu quả đời sống nhân dân; xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, phản ánh hiện thực xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang ra sức xây đắp, củng cố, bảo vệ để ngày thêm vững bền.

Từ kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu của hơn 20 năm thực hiện giảm nghèo, tôi tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu của chúng ta sẽ tiếp tục phát huy cao độ truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; lòng tự hào về nơi khởi xướng phong trào chăm lo đời sống trên địa bàn dân cư, đến đi đầu trong thực hiện giảm nghèo bền vững; chắc chắn sẽ luôn được đồng lòng, chung sức, tận tâm, tận lực của tất cả thành viên trong xã hội nỗ lực thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2015 và tiếp tục phát triển hơn nữa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chúc các đồng chí và quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.

Trân trọng cám ơn./. 

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo