Mảnh đất ấy nay còn lưu truyền rất nhiều giai thoại về Bác lúc sinh thời cũng như khi Người đã ra đi. Trong những năm cuối đời, Bác đã chọn Đá Chông để viết di chúc. Giờ đây, Đá Chông đã trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nơi Người an giấc
Tháng 5-1957, trong lần về thăm tỉnh Sơn Tây (cũ), Bác dự một buổi diễn tập của Sư đoàn 308 trên sông Đà. Vị trí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn để nghỉ trưa, ăn cơm nắm và trò chuyện với chiến sĩ của Sư đoàn 308 được nhân dân trong vùng gọi là Đá Chông. Tương truyền, sở dĩ có tên gọi Đá Chông bởi nơi đây có nhiều phiến đá nhọn tựa như hình mũi tên, mũi mác nhô lên mặt đất.
Quan sát thế đất, thế nước vùng này, Bác nhận thấy có thể chọn Đá Chông làm căn cứ bí mật cho Trung ương. Đá Chông có thế “rồng chầu”, ngay trước mặt là dòng sông Đà. Nếu có biến, có thể nhanh chóng ngược sông Đà lên Tây Bắc lập chiến khu.
Hầm trú ẩn bí mật tại khu di tích Đá Chông
Sau khi Bác chọn Đá Chông, mảnh đất này được củng cố bằng một hệ thống hầm trú ẩn, bảo đảm an toàn cho Bác và Trung ương. Khi Bác mất, để giữ an toàn và tuyệt đối bí mật cho việc gìn giữ thi hài của Người, Bộ Chính trị chọn Đá Chông làm nơi cất giữ thi hài Bác.
Sau khi các công trình phục vụ việc bảo quản thi hài của Người trong những điều kiện hết sức nghiêm ngặt hoàn tất, mật danh K9 được đổi thành K84. Năm 1970, sau cuộc tập kích của không quân Mỹ ở khu vực Sơn Tây, để đề phòng căn cứ K84 bị lộ, thi hài Bác được chuyển về công trình A75 tại Hà Nội.
Từ trận lũ lịch sử đe dọa vỡ đê và lũ lớn tại Hà Nội một năm sau đó, Đá Chông lại được chọn làm nơi cho Người an giấc. Từ năm 1972-1975, thêm ba lần thi hài Bác được chuyển tới những căn cứ bí mật khác rồi lại trở về K84.
Sinh nhật giản dị
Đến nay, dù Đá Chông - K9 không còn là khu quân sự bí mật nữa nhưng nhiều câu chuyện về Bác ở đó vẫn như những giai thoại. Mọi thứ nơi đây đều phảng phất hình bóng của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Ngày 19-7-1975, sau khi thi hài Bác được chuyển vào Lăng phục vụ nhân dân thăm viếng và gìn giữ lâu dài, K84 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và lấy lại tên cũ là K9. Đá Chông - K9 hiện nay được Đoàn 285 thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý. Ở đó còn lưu giữ nhiều kỷ vật về Bác.
Ngôi nhà sàn hai tầng mô phỏng nhà Bác trong khu Phủ Chủ tịch được chính tay Bác chọn hướng, cắm mốc và duyệt thiết kế; con đường sỏi, nơi Bác thường thích đi chân trần một mình để rèn luyện sức khỏe; cây vú sữa miền Nam Bác trồng gần phía cửa sổ phòng ngủ, những chiếc xe chở thi hài Bác từ những căn cứ bí mật lên K9... vẫn còn đó.
Trung tá Trần Trọng Nghĩa, người lưu giữ nhiều kỷ vật về Bác tại Đá Chông
Những hiện vật ở đây hầu hết đều là hiện vật gốc, là những đồ dùng được chính tay Bác lựa chọn, sử dụng lúc sinh thời, gắn liền với những năm tháng Bác sống tại đất thiêng K9.
Thượng úy Phạm Hồng Sang, phụ trách quản lý di tích ở khu vực Đá Chông, kể: “Bác quan tâm đến những thứ nhỏ nhất. Ngay chuyện thiết kế cửa cho phòng họp của Bộ Chính trị, Bác cũng bảo phải làm cửa đẩy chứ không dùng cửa đóng then cài nhằm tiết kiệm diện tích. Con đường xung quanh nhà sàn thì Bác dặn trải sỏi để vừa chống trộm vừa để khỏe chân cho người đi dạo”.
Theo lời kể của ông Vũ Kỳ, cố thư ký của Bác Hồ, trong cuốn Giữ yên giấc ngủ của Người được NXB Quân đội Nhân dân và Ban Quản lý Lăng ấn hành, khi xây khu căn cứ tại Đá Chông, Bác dặn ông Hoàng Linh, cục trưởng Cục Doanh trại - người được giao thiết kế ngôi nhà sàn hai tầng - phải làm khang trang, cao ráo vì K9 không chỉ là căn cứ bí mật mà còn là khu nhà khách của Trung ương.
Hai lần sinh nhật Bác (19-5), để tránh việc tổ chức rình rang nếu ở lại thủ đô, Người lại lên Đá Chông. Ngày 19-5-1963, anh em trong tổ bảo vệ và phục vụ Bác tại Đá Chông có ý định lên nhà sàn chúc thọ Bác, chưa kịp đi thì ngay từ sáng sớm, Người đã xuống tận nơi hỏi thăm, động viên anh em. Những lần sinh nhật khác, Bác lên K9 dùng bữa với những đồng chí trong Bộ Chính trị, qua sinh nhật, Bác về lại Hà Nội.
Ngồi ở Đá Chông nhớ Bác da diết
|
Kỳ tới: Di nguyện trên đỉnh Ba Vì
Bình luận (0)