Ngày 12-6, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đã đồng ý cho Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (trụ sở TP HCM) thay máy thủy mới chính hãng Mitsubishi cho các tàu cá vỏ thép có máy bị hỏng do đơn vị này lắp đặt. Sau khi thay máy mới, máy cũ vẫn bị niêm phong giữ lại để phục vụ công tác điều tra.
Ảnh hưởng đến chính sách lớn
Công ty Hoàng Gia Phát chính là đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp 2 loại động cơ máy chính của tàu thủy hiệu Mitsubishi cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng).
Theo ông Trần Châu, trước đây, trong các cuộc làm việc với ngư dân, đại diện Công ty Hoàng Gia Phát luôn khẳng định máy mà đơn vị này cung ứng là máy thủy mới 100%, chính hãng Mitsubishi. Công ty này đổ lỗi cho ngư dân không biết sử dụng, vận hành không đúng quy trình. Thế nhưng, khi đại diện hãng Mitsubishi kết luận 8/9 máy do Công ty Hoàng Gia Phát lắp cho tàu vỏ thép ở Bình Định không phải máy thủy chính hãng, có dấu hiệu hoán cải thì công ty này mới nhận lỗi.
Tổ thẩm định độc lập của tỉnh Bình Định kiểm tra máy tàu hỏng Ảnh: Anh Tú
"Trước mắt, đại diện hãng Mitsubishi chỉ nói miệng chứ chưa có văn bản chính thức. Sau khi hãng Mitsubishi có văn bản về việc này hoặc có kết luận của tổ thẩm định độc lập về tàu vỏ thép, chúng tôi sẽ chuyển cơ quan điều tra làm rõ. Nếu có dấu hiệu phạm tội hình sự thì phải xử lý nghiêm" - ông Châu khẳng định.
Cùng ngày, ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ trưởng Tổ công tác Thẩm định tàu vỏ thép do UBND tỉnh Bình Định thành lập - khẳng định qua kiểm tra cho thấy nhiều vỏ tàu bị gỉ sét nặng, thép không đúng chủng loại hợp đồng, chất lượng và quy trình sơn không bảo đảm, máy tàu không đồng bộ trang thiết bị hàng hải...
Trong khi đó, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Định đang xác minh cụ thể từng trường hợp tàu hư hỏng và thông tin các cơ sở đóng tàu dùng tiền để ngư dân rút đơn khiếu kiện. Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết khi nào có văn bản chỉ đạo chính thức của UBND tỉnh, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc.
Bên lề hành lang Quốc hội (QH), ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, khẳng định Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ra đời trong bối cảnh tình hình biển Đông rất căng thẳng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã báo cáo QH, Chính phủ dành ra nguồn tiền mấy ngàn tỉ đồng để ưu tiên vấn đề biển đảo, trong đó có hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu. Vậy mà giờ đóng tàu lại có nhiều vấn đề, chất lượng tàu như vậy, thật sự rất đáng buồn.
Theo ông Bùi Đặng Dũng, thông tin ngư dân rút đơn vì được hỗ trợ một vài trăm triệu có thể họ ngại và không muốn việc khiếu kiện phiền phức. Tuy nhiên, dù người dân có đề nghị rút đơn thì về phía quản lý nhà nước phải điều tra, làm rõ chất lượng của tàu.
Lừa dối khách hàng hay lừa đảo?
Theo luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định, việc các cơ sở đóng tàu sử dụng thép, lắp đặt máy thủy, thiết bị... không đúng chủng loại đã cam kết với ngư dân rõ ràng đã vi phạm hợp đồng. Về dân sự, các cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm tháo ra, lắp đặt vật liệu, máy móc, thiết bị đúng như hợp đồng đã cam kết; đồng thời bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại trong thời gian tàu hỏng, không ra khơi được. Còn về hình sự, các cơ sở đóng tàu và những đơn vị liên quan dùng thép Trung Quốc thay vì thép Hàn Quốc, Nhật Bản để đóng tàu và dùng máy thủy không chính hãng như đã cam kết trong hợp đồng thì họ có dấu hiệu phạm tội "Lừa dối khách hàng".
Làm rõ hơn, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết về trách nhiệm hình sự, điều 162 Bộ Luật Hình sự 1999 về tội "Lừa dối khách hàng" quy định như sau: Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Có ý kiến cho rằng hành vi lừa dối khách hàng và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xét về bản chất chỉ là một nên chỉ cần quy định tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, luật sư Trạch cho rằng trên thực tế, rất hiếm trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa dối khách hàng".
Mặt khác, so với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có khung hình phạt cao nhất là tử hình thì tội "Lừa dối khách hàng" mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù. "Trong trường hợp người phạm tội gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, mức hình phạt 7 năm tù chưa tương xứng với hành vi và hậu quả gây ra" - luật sư Trạch nhấn mạnh.
Đề nghị cơ sở đóng tàu hỗ trợ
Chiều 12-6, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tàu, cơ sở đóng tàu và các bên liên quan.
Đến nay, trong số 6 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 để hành nghề lưới vây và lưới chụp có 3 tàu xảy ra sự cố kỹ thuật như bị sự cố máy tời, gãy trụ cẩu, đứt dây cáp treo, hệ thống hầm cấp đông không đủ công suất lạnh... Chủ trì buổi đối thoại, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu trong các chuyến biển tới, liên danh đóng tàu phải cử người đi theo để kiểm soát máy móc, hỗ trợ ngư dân vận hành, đặc biệt là 3 tàu bị sự cố vừa qua.
H.Ánh
Bình luận (0)