Chị trông trẻ hơn nhiều so với tuổi thật của mình, chẳng thế mà học sinh của chị dù ở lứa tuổi 8X vẫn cứ gọi chị là “Chị”. Chị vui và tự hào về điều đó.
Gần 20 năm làm nghề dạy học, bao thế hệ học trò đã trưởng thành và tìm về gặp chị. Tất cả đều thấy bóng dáng thân thương của cô giáo Nguyễn Hồng Hà ngồi trên xe lăn không thay đổi nhiều dù đã bao nước chảy qua cầu.
Tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Pháp, nhưng hiện chị lại đang là giáo viên dạy tiếng Anh, phụ trách hơn chục lớp học. Chị cũng đồng thời đảm trách nhiệm vụ tư vấn về người khuyết tật cho chương trình “Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật” của một tổ chức phi chính phủ.
Bên cạnh đó, chị còn là giám đốc của hai dự án đã và đang triển khai dưới sự tài trợ của World Bank (WB).
Niềm tin cuộc sống
Hai tuổi, cơn sốt bại liệt quái ác đã cướp đi đôi chân lành lặn nhưng với chị tuổi thơ vẫn là những năm tháng thật bình yên và ngập tràn hạnh phúc.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức Hà Nội gốc, chị có may mắn được thụ hưởng một nền tảng văn hóa gia đình rất nền nếp. Dù cơ thể có chịu những khiếm khuyết thật nhưng người thân, nhất là bà ngoại chị, vẫn yêu cầu cô cháu gái phải đảm đang, tề gia nội trợ như những người con gái bình thường khác. Chín tuổi, một mình chị đã có thể nấu những bữa cơm ngon. Nữ công gia chánh, chị cũng chẳng thua kém bất cứ một cô gái nào, nên chị vẫn tự hào về điều đó.
Đến thăm những lớp học của chị, thấy học sinh chủ yếu là những người lành lặn, có nhiều sinh viên (SV) và cả những người đang đi làm. Họ tìm đến cô giáo Hà và đều có chung một nhận xét: Học được từ cô giáo của mình khả năng làm việc, niềm tin vào cuộc sống, sự hài hước...
Có những học sinh lần đầu tìm đến chị bị “choáng” vì không nghĩ cô giáo ngoại ngữ lại là một người ngồi xe lăn nhưng rồi qua quá trình học, họ thực sự bị chinh phục bởi kiến thức, cách truyền đạt và phương pháp dạy rất sáng tạo, hiệu quả của chị.
Đến khu nhà B5, ngõ 46B phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội, hỏi cô giáo Nguyễn Hồng Hà, người dân nơi đây ai cũng biết.
Ba lần viết thư cho bộ trưởng xin được đi học
Thi đỗ ĐH với số điểm rất cao nhưng mãi đến tận hai năm sau, chị mới thực hiện được ước mơ ngồi trên giảng đường. Ước mơ học ĐH của chị bị từ chối vì lý do chị là người khuyết tật.
Nhưng chị lại là một người không chịu bằng lòng với số phận. Nếu cánh cửa tương lai không tự mở, chị sẽ là người mở nó bằng chính đôi tay của mình. Hai năm liền viết thư cho Bộ trưởng Bộ Đại học khi đó bày tỏ tâm sự và khát khao được đi học của bản thân và những người khuyết tật nói chung. Đã có lúc tưởng như những nỗ lực nhỏ nhoi của chị vô vọng nhưng rồi lá thư thứ 3 đã có hồi âm.
Nguyễn Hồng Hà đã nhiều năm làm điều phối viên chương trình của Diễn đàn người khuyết tật và hiện đang cộng tác với HI (Tổ chức Khuyết tật Quốc tế) trong một số dự án. Qua nhiều cuộc hội thảo, khóa học, tập huấn kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận động Chính phủ, qua những chuyến trao đổi kinh nghiệm tại Mỹ, Thụy Điển, Singapore, Nhật... được các tổ chức khuyết tật quốc tế mời dự, chị đã làm mọi cách để nâng cao vị trí cũng như bảo đảm quyền lợi cho những người khuyết tật. |
Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đã nhận được chỉ thị “Nhận SV Nguyễn Hồng Hà làm SV dự thính”. Dù chỉ được đi học như một SV dự thính nhưng hết năm học thứ nhất, chị đã chứng minh với mọi người rằng, chị xứng đáng được là một SV như bao bạn bè khác.
Với thành tích xuất sắc ngay năm đầu tiên, lớp đã đề nghị lên khoa, rồi lên trường để SV Nguyễn Hồng Hà được là một SV với đầy đủ quyền lợi như một SV bình thường.
Kết thúc 4 năm ĐH, chị ra trường với tấm bằng loại giỏi nhưng cũng không cơ quan nào chịu nhận một cử nhân khuyết tật. Chị chấp nhận thực tế đó và lao vào làm việc, không chút mặc cảm.
Mấy năm trời chị kiếm sống bằng nghề dịch tài liệu cho Viện Văn học, Viện Kinh tế, Viện Sinh vật, Bộ Ngoại giao...
Giai đoạn từ năm 1985 đến 1989, chị học thêm văn bằng hai ngoại ngữ tiếng Anh, ngoài chuyên ngành tiếng Pháp đã được đào tạo bài bản. Chị trở thành cô giáo dạy tiếng Anh một năm sau đó và duy trì công việc dạy học suốt gần 20 năm qua.
Chị tham gia nhóm Tương lai tươi sáng (thuộc hội người khuyết tật Hà Nội), do những cựu SV khuyết tật của ĐH Tổng hợp Hà Nội thành lập với mục đích giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh; viết dự án, tìm tài trợ cho người khuyết tật.
Đảm trách vai trò thư ký của nhóm, chị được cử đi học nhiều khóa đào tạo về kiến thức, kỹ năng của người khuyết tật và dần trở thành một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ cho người khuyết tật. Từ đó, chị cũng trở thành thành viên trong ban chủ nhiệm của CLB Hòa nhập của phụ nữ khuyết tật trên địa bàn Hà Nội.
“Tặng phẩm” cuộc sống
Hai năm liên tiếp chị nhận giải thưởng cao nhất trong “Ngày sáng tạo VN” do WB tài trợ.
Năm 2006, lần đầu tiên tham gia viết dự án, Nguyễn Hồng Hà đã nhận giải thưởng cao nhất với dự án “Trường học thân thiện cho học sinh và sinh viên khuyết tật ở Hà Nội” cùng 10.000 USD tiền tài trợ triển khai dự án.
Năm 2007, dự án “Vận động và đưa vấn đề người khuyết tật vào an toàn giao thông” của nhóm MHD gồm ba thành viên đều là người khuyết tật: chị Nguyễn Hồng Hà, anh Nguyễn Đức Minh (lập trình viên công nghệ thông tin của Công ty Phát triển Giải pháp đa công nghệ) và anh Nguyễn Hoàng Dương (Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn - Bộ Ngoại giao) lại lọt vào vòng chung kết và giành được số tiền tài trợ cao nhất như năm 2006.
Chị Nguyễn Hồng Hà, giám đốc dự án, bày tỏ: “Dự án của chúng tôi hướng đến việc góp phần thay đổi và giúp các cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách hiểu rõ hơn nhu cầu và quyền của người khuyết tật trong khi tham gia giao thông vận động chính người khuyết tật sử dụng và điều khiển những phương tiện giao thông, an toàn và có đăng kiểm”.
Chính ban giám khảo cũng nhận xét về dự án này là “Ý tưởng hay, giải pháp toàn diện và có tính khả thi”. Dự án của nhóm MHD dự định sẽ được triển khai và hoàn tất trong vòng 9 tháng trên địa bàn thí điểm Hà Nội.
Chị nói với tôi rằng, khi viết về chị và những người khuyết tật đừng dùng ngôn ngữ của lòng thương hại. Dù ngồi xe lăn cả cuộc đời, nhưng chị luôn có bạn bè, người thân xung quanh, luôn sáng tạo và chưa bao giờ phàn nàn về cuộc sống của mình. Có lẽ vì thế mà cuộc đời đền đáp cho chị bằng những tặng phẩm quý giá: công việc yêu thích và một tình yêu đích thực. Những câu chuyện của chị giống như dòng sông muôn đời chảy, còn sống ngày nào chị còn yêu đời và tận hưởng ngày ấy.
Chị chính là một “dòng sông” cổ tích!
Bình luận (0)