xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyến đi biển định mệnh: Vợ góa, con côi

Bài và ảnh: Lê Văn Chương

Hai đứa con của ngư dân quá cố Phạm Huy và chị Trương Thị Nhị suốt ngày gặng hỏi: “Tại sao ba ở Hoàng Sa mãi chưa về?”…

Trở lại căn nhà của anh Phạm Huy (ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi), ngư dân bị phía Trung Quốc bắn chết vào ngày 12-3-1996, người đầu tiên tôi gặp là ông Nguyễn Tới, 86 tuổi.
“Nhà thằng Huy coi như bỏ hoang, đâu còn ai ở”. Miệng nói, tay đẩy cánh cửa khép hờ, ông Tới dẫn tôi vào nhà. Trong di ảnh trên bàn thờ, gương mặt Huy trông thật trẻ trung.

Lặn lội thân cò

Dù ở sát biển nhưng Phú Quý là một thôn rặt nghề nông. Vì không có bến đỗ cho tàu thuyền nên người dân nơi này phải mưu sinh bằng chiếc thúng nhỏ gần bờ. Không có nước để canh tác, họ dựa vào 2 mùa: Tháng 10 trồng bắp, mì, đậu phộng; đầu năm trồng cây thuốc lá. Tất cả được mang đi đổi gạo.

Vợ chồng ông Phạm Lẫm và bà Nguyễn Thị Siêng (cha mẹ của anh Phạm Huy) sinh được 4 con trai. Nguồn sống của gia đình dựa trên 5 sào đất rẫy. Làm lụng cật lực và vất vả, mỗi năm ông bà cũng chỉ kiếm được 50 ang lúa mang về nuôi con. Ở thôn Phú Quý, gia đình ông bà được xếp vào diện nghèo nhất.

Lớn lên trong nghèo khó, sau những ngày rong ruổi ngược xuôi đi bạn cho các thuyền hành nghề lặn, các anh em Phạm Huy đã trở thành những thợ lặn thiện chiến.

Chị Trương Thị Nhị nhớ lại: “Tối đó (12-3-1996), tôi tưởng anh Kiên (người đi cùng thuyền với Huy) tới nhà nói chuyện về chuyến đi biển. Nào ngờ ảnh khóc nói rằng anh Huy bị lính Trung Quốc bắn chết rồi. Lúc đó, trời đất như quay cuồng, tôi ngã ra bất tỉnh. Ngày đưa anh Huy đi chôn, tôi nằm ngất trong giường không ra nổi để bỏ cho anh nắm đất”.

img
Ba mẹ con chị Trương Thị Nhị vất vả mưu sinh

Ở xứ biển, đàn ông là trụ cột trong nhà. Mới cưới nhau vài tháng, cái bào thai sinh đôi mới 3 tháng cựa quậy mạnh trong bụng, đối với Nhị, chồng chết rồi thì gánh nặng ngàn cân đặt hết lên đôi vai chị. Gia đình hai bên đều nghèo, con cái sau này không biết mặt cha. Nghĩ đến đó, đôi chân thai phụ 22 tuổi khuỵu xuống, mọi thứ đều sụp đổ.
Hai đứa bé sinh ra được bàn tay của bà nội và bà ngoại nuôi nấng. Không có điều kiện nuôi con, chị Nhị xin phép gia đình quay về nhà cha mẹ, mang theo tấm ảnh cưới và bắt đầu lặn lội thân cò.
Cứ 3 giờ sáng, người dân xóm Gành Cả lại thấy một thiếu phụ thân hình gầy gò, đạp xe chở xô gạo băng qua con dốc cao ngất để xay bột về đúc bánh bán cho người dân trong xóm.
“Có hôm xay bột về, thấy anh em vác chèo đi biển, em run lên khi nghĩ đến anh Huy. Có đợt mưa tốc mái nhà, tắt bếp, em vừa khóc vừa lo khi nghĩ nếu không làm kịp bánh thì lấy tiền đâu mua gạo, mua sữa nuôi con” - chị Nhị gạt dòng nước mắt kể về những tháng ngày cô quạnh.

Bà Nguyễn Thị Lai, mẹ ruột của chị Nhị, xót xa: “Hồi đó không như bây giờ, gia đình hoàn toàn tự lo chứ không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào từ xã hội. Từ đó về sau, cứ vào dịp Tết thì chính quyền xã lại cho hơn chục ký gạo và một ít mì gói”.

Con ngóng cha, vợ mong chồng

Thời gian đầu, mỗi lần đi biển về, anh em trên thuyền ông Nguyễn Văn Dũng (chuyến anh Huy bị bắn chết) thường trích một phần tiền mang đến hỗ trợ mẹ con chị Nhị. Về sau, nguồn sống của 3 mẹ con chủ yếu dựa vào nồi bánh.
Những ngư dân khi đi biển ở Hoàng Sa thỉnh thoảng ghé vào túp lều của chị, dúi cho hộp sữa và nói: “Thằng Huy nó linh thiêng thiệt, anh em tụi tôi khấn vái xin được phù hộ, y như rằng, đánh cá 5 bữa ở Hoàng Sa đã kiếm đủ tiền chia nhau”.
Trong túp lều của góa phụ này, 2 đứa con trai lớn nhanh như thổi. Lên 6 tuổi, chúng bắt đầu hỏi những câu khiến người mẹ bối rối: “Mẹ, ba con đâu, sao con không có ba?”. Thương con, chị đành gạt nước mắt trả lời: “Ba đi biển Hoàng Sa chưa về, con ráng học thiệt giỏi rồi ba về sẽ thưởng”.
Lớn hơn một chút, 2 đứa nhỏ vẻ như không còn tin vào lời hứa của mẹ nên sang nhà hàng xóm, gặp ai cũng hỏi: “Tại sao ba Huy ở Hoàng Sa mãi chưa về với tụi con?”. Khi có câu trả lời của hàng xóm, 2 đứa trở về, khóc và nói: “Ba con bị lính Trung Quốc bắn chết rồi!”.
img
Ngôi nhà hiu quạnh của ngư dân quá cố Phạm Huy
Hằng đêm, khi 2 đứa con đã yên giấc, chị Nhị lại ra sau nhà nằm giáp mặt với biển và nhìn ra khơi. Quần đảo Hoàng Sa, nơi chồng chị bị bắn chết, giờ vẫn còn hàng trăm ngư dân xóm Gành Cả đang mưu sinh.
Năm nào ngư dân xứ này cũng bị phía Trung Quốc khống chế và thu giữ nhiều tài sản. Mỗi khi nghe bước chân ngư dân lạo xạo qua con đường đá và nhìn vào khuôn mặt họ, bằng sự nhạy cảm của người đàn bà, chị có thể đoán được chuyến đi này êm đẹp hay xui rủi.
Gặp chị Nhị, tôi cho biết mình là người trực tiếp tham gia lập hồ sơ “vụ án hải quân Trung Quốc bắn chết ngư dân”, cũng là người tham gia chôn cất anh Huy 16 năm về trước.
Chị ngồi lẳng lặng trong gian bếp ám khói, gạt nước mắt. Trong ánh nắng chiều vụt tắt, khuôn mặt chị hiện ra gầy gò, nước da rám nắng, mái tóc lưa thưa bay theo làn gió biển thổi thốc tháo, ánh mắt như bạc đi vì những ngày ngóng ra Hoàng Sa và hồi tưởng về người chồng quá cố…

Ông Trương Kế, cha của chị Nhị, tiếc nuối: “Hồi đó, thằng Huy hiền lành, đi biển cũng giỏi nhất đoàn. Nếu giờ nó còn sống chắc chắn là nên cơ nghiệp…”.

16 năm qua, trong túp lều giữa xóm Gành Cả, người phụ nữ góa bụa này vẫn lầm lũi nuôi con và đau đáu câu hỏi: “Chồng tôi bị bắn chết tại Hoàng Sa, vậy ai sẽ bồi thường và chịu trách nhiệm? Tại sao vụ này lại trôi vào quên lãng?”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo