Sáng 7-9, một chuyến tham quan độc đáo đã được Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với Công an và Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng tổ chức để đưa 294 thanh thiếu niên chậm tiến được sàng lọc từ các quận, huyện đi tham quan trại giam Hòa Sơn (Sở Công an TP Đà Nẵng), Trường Giáo dưỡng số 3 (thuộc Bộ Công an), Khu Du lịch Bà Nà.
Chứng kiến sự khắc nghiệt
Những thanh thiếu niên chậm tiến tham gia chuyến tham quan lần này đang ở độ tuổi từ 12 – 17. Hầu hết là con em gia đình nghèo, ít được chăm sóc, không được học hành đến nơi đến chốn, từng trộm cắp, đánh nhau và nghiện game.
Sáng sớm, ban tổ chức đưa các em đi thăm Trường Giáo dưỡng số 3 (thuộc Bộ Công an), nơi mà các thanh thiếu niên đồng trang lứa đang học tập, sinh hoạt tập trung tại đây, để các em hiểu được sự khắc nghiệt của môi trường cải tạo.
Em Lê Quốc Phú (14 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) nhìn chăm chăm vào một học viên đang vất vả cuốc đất dưới cái nắng chang chang ở Trường Giáo dưỡng số 3, rồi hỏi khẽ: “Nếu mình phạm tội cũng sẽ lao động cực khổ như vậy hả chú ?”.
“Đúng rồi, bất cứ em nào vi phạm pháp luật cũng bị đưa lên đây giáo dục” - anh Nguyễn Đình Trí, cán bộ Thành đoàn, trả lời.
Sau đó, khi đến thăm nơi ăn ở, lao động của các đối tượng phạm tội tại trại giam Hòa Sơn, các em bắt đầu nhận ra được sự khổ cực của những người phạm pháp.
Em gái Nguyễn Hồng Tr. (15 tuổi, quận Thanh Khê) cho biết do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi lên lớp 9, em phải nghỉ học. Thời gian gần đây, nhiều bạn bè lôi kéo em chơi bời, lêu lổng nên cha mẹ em rất buồn.
Các em thanh thiếu niên chậm tiến tham quan tại trại giam Hòa Sơn
Hơn nữa, từ nhỏ đến giờ, Tr. chưa hề biết cuộc sống của những người vi phạm pháp luật trong môi trường cải tạo nên Tr. chưa hiểu hết nỗi khổ của người phạm tội.
“Nhờ thấy được cuộc sống cực khổ của những người phạm tội nên em sẽ cố gắng sống tốt hơn, không đua đòi, chơi bời nữa” - em Tr. tâm sự.
Còn em Phạm Thị Thúy Hồng (đang tập trung tại Trường Giáo dưỡng số 3) tâm sự: “Mình đã lỡ lầm phạm tội ăn cắp nên mới bị tập trung cải tạo. Bây giờ mình cảm thấy hối hận và muốn rèn luyện thật tốt để sớm trở về với gia đình”.
Tạo điều kiện để trở thành người tốt
Theo Công an TP Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn xảy ra 338 vụ phạm pháp hình sự, tăng 86 vụ so với năm 2009. Trong đó, đối tượng phạm tội lần đầu (phần lớn là thanh thiếu niên) chiếm đa số trong tổng số bị can bị bắt giữ. |
Chiều cùng ngày, tại hội trường Công an TP Đà Nẵng, gần 300 em thiếu nhi chậm tiến đã được gặp gỡ và trò chuyện với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh.
Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết lãnh đạo TP tạo điều kiện cho các em trở thành người tốt nhưng em nào tái phạm sẽ bị xử phạt nghiêm minh.
Ông Nguyễn Bá Thanh phân tích: Trong số các em ngồi đây, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, phạm tội là do lười học mà ra. Tôi tin rằng các em sẽ biết sửa chữa những sai lầm để trở thành người có ích.
Số phận, cuộc đời các em, được định đoạt bởi chính ý thức và hành vi của các em đối với cuộc sống. Nếu sống tốt các em được sống một cuộc sống tự do, được hưởng thụ những thành quả do sức lao động của mình và xã hội tạo ra, ngược lại, nếu sống không tốt, vi phạm pháp luật, các em sẽ trả giá bằng sự mất tự do và sự xử phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Sau khi nghe ông Bí thư Thành ủy trò chuyện, nhiều em đã mạnh dạn đứng lên tự hứa sẽ không tái phạm pháp và mong muốn trở thành những tấm gương tốt. Nhiều em có nguyện vọng được trở lại trường học, một số em mong muốn được hỗ trợ học nghề.
Sau khi nghe tâm tư, nguyện vọng của các em, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu Thành đoàn lập danh sách những em khó khăn để hỗ trợ, chỉ đạo công an, Thành đoàn tiếp tục quản lý chặt chẽ, động viên ncác em chậm tiến trở thành người tốt.
Anh Nguyễn Lương Minh Triết, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng:
Giúp các em có nghị lực vươn lên
Với các em chậm tiến, ranh giới giữa lương thiện và phạm pháp hết sức mong manh. Do vậy, chúng tôi tổ chức chuyến tham quan nhằm giúp các em chứng kiến được hậu quả của sự phạm pháp. Qua những cuộc giao lưu với các thanh thiếu niên đang cải tạo, sẽ giúp các em chậm tiến, có nguy cơ vi phạm pháp luật, ý thức được việc làm của mình; giúp các em hướng thiện, có nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, khi chứng kiến cảnh cực khổ của những người vi phạm pháp luật ở trường giáo dưỡng, trại giam Hòa Sơn và được tận hưởng sự sung sướng khi tham quan Khu Du lịch Bà Nà, các em bắt đầu ngộ ra được cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống. |
Bình luận (0)