Bè nuôi cá ở Vũng Rô do một chuyên gia người Trung Quốc làm chủ
Thuê người Việt đứng tên
Từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp phép hoạt động cho 10 người Trung Quốc với vai trò chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú và cá bóp ở Vũng Rô. Tuy nhiên, ông Đào Thái Cường, trưởng thôn Vũng Rô, cho biết những chuyên gia này chính là chủ của các cơ sở nuôi cá mú và cá bóp với quy mô lớn tại đây. “Họ đã thuê người Việt Nam đứng tên lập doanh nghiệp để nuôi cá” - ông Cường nói. Theo ông Cường, có tất cả 5 bè cá tại bãi Chùa, bãi Hương và bãi Lau (thôn Vũng Rô) do người Trung Quốc làm chủ với quy mô từ 100 - 200 lồng/bè. Điều này được chứng minh khi chúng tôi tiếp xúc với một bè cá do ông Trần Tấn Hạnh (quê Đồng Tháp) làm quản công. “Tôi được một người Trung Quốc trả lương, còn người đó là ai thì không biết” - ông Hạnh thừa nhận.
Việc xuất hiện những bè nuôi cá của người Trung Quốc ở Vũng Rô đã gây nhiều bức xúc đối với người dân địa phương. Theo ông Cường, khi tàu thuyền của ngư dân chạy gần bè cá của người Trung Quốc thì lập tức bị nhân công dọa đánh.
Ông Trần Xuân Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam, cho biết vì Vũng Rô là vùng được quy hoạch mở rộng cảng và phát triển công nghiệp hóa dầu nên không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép nuôi trồng thủy sản. “ UBND huyện Đông Hòa cũng không cấp phép nuôi trồng thủy sản và cho thuê mặt nước ở Vũng Rô đối với bất cứ tổ chức, cá nhân nào” - ông Phạm Minh Chu, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, khẳng định.
Quản lý lỏng lẻo
Theo UBND xã Hòa Xuân Nam, ngoài một số cơ sở tư nhân có chuyên gia Trung Quốc đứng đằng sau, còn 3 doanh nghiệp nuôi thủy sản tại Vũng Rô do người Trung Quốc trông coi là Công ty TNHH Thuận Thành, DNTN Mỹ Ngọc và DNTN Vĩnh Tín. Các doanh nghiệp và cá nhân này nuôi thủy sản trái phép ở Vũng Rô 7 năm nay nhưng chính quyền địa phương lại không có biện pháp xử lý. Ông Trần Văn Ngãi cho rằng vì không được cấp phép nên UBND xã Hòa Xuân Nam không thể quản lý, thu thuế đối với các doanh nghiệp và cá nhân này.
Việc quản lý đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với người nước ngoài ở đây cũng lỏng lẻo. Ông Nguyễn Tấn Thành, Trưởng Công an xã Hòa Xuân Nam, cho biết mỗi năm cơ quan này chỉ kiểm tra việc tạm trú, tạm vắng một lần đối với người nước ngoài. “Do việc kiểm tra đối với người nước ngoài có rất nhiều thủ tục và cần nhiều đơn vị phối hợp nên không thể làm thường xuyên” - ông Thành phân trần.
Theo ông Thành, hiện nay, giấy phép làm chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản của 10 người Trung Quốc đều đã hết hạn. Tuy nhiên, ngày 1-6, khi chúng tôi tiếp cận các bè nuôi cá mú và cá bóp của các doanh nghiệp ở đây thì đều thấy có người Trung Quốc.
Khánh Hòa rà soát hoạt động nuôi trồng thủy sản UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu UBND TP Cam Ranh kiểm tra và báo cáo về nội dung liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn. Trước đó, tại địa phương này đã xuất hiện tình trạng một số người Trung Quốc làm lồng bè nuôi cá gần cảng Cam Ranh của Vùng 4 Hải quân từ nhiều năm nay. Theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động, bè cá của người Trung Quốc cách cảng Cam Ranh vài trăm mét về phía Đông Bắc với gần 100 lồng nuôi. Theo ông Lê Văn Dũng, Phó chánh Thanh tra Sở NN-PTNN tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình thanh tra môi trường trên các lồng bè ở TP Cam Ranh, cơ quan này đã phát hiện nhiều sai phạm tại một lồng bè của người Trung Quốc. “Chủ bè đã không trả lời được câu hỏi cá giống lấy từ đâu? Hàm lượng thức ăn ra sao? Có được phép lưu hành tại Việt Nam không?” - ông Dũng cho biết. Theo ông Trần Văn Ớt, Phó Phòng Kinh tế, người được Chủ tịch UBND TP Cam Ranh Đào Văn Hòa ủy quyền cung cấp thông tin cho báo chí, cho biết cơ quan này đang làm báo cáo gửi UBND TP về việc rà soát lại tình trạng lồng bè ở địa phương. “TP Cam Ranh có khoảng 11.000 lồng bè với sự tham gia của hơn 500 hộ cá thể và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số không có giấy phép hoạt động” - ông Ớt nói. K.Nam |
Bình luận (0)