icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện kể từ đảo Tiên Nữ

Tin-ảnh: Hồng Nhạn

(NLĐO) - Hòn đảo ấy có cái tên thật kiêu sa, cách đất liền gần 400 hải lý, tương đương 750 km, đây là nơi đón nhận tia nắng bình minh sớm nhất Việt Nam.

img
 
Đảo Tiên Nữ
 
Chuyện kể rằng, xưa kia, có một nàng tiên đẹp tuyệt trần, trên bước đường phiêu du nơi trần thế, rặng san hô tuyệt đẹp của hòn đảo chìm này đã khiến nàng vô cùng thích thú. Nàng  quyết định ở lại nơi này để nghỉ ngơi và dùng phép thuật của mình cứu giúp những ngư dân gặp nạn trên vùng biển Trường Sa.

Chuyện xưa là thế, cứ mãi truyền lại qua những câu chuyện của lính đảo. Cổ tích cứ mãi là cổ tích, người tin kẻ thì không, dẫu vậy, nét huyền bí trong tên gọi cứ mãi là lực hấp dẫn đầy lý thú cho những ai chưa đến với Tiên Nữ. Trong chuyến công tác đến Trường Sa lần này, CTV Báo Người Lao Động đã tình cờ chứng kiến hai câu chuyện rất xúc động của những người lính đảo.
 
Chuyện hai anh em
 
Khi những tia nắng đem niềm hy vọng rọi vào lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nhà nổi của đảo, trung úy Nguyễn Đình Thanh, phụ trách rađa của đảo, vẫn tận tụy với công việc ngày thường. Nhưng cái cảm giác nôn nao cứ vây lấy anh.

Tết đã gần kề, không khí xuân đang quanh quất đâu đây. Đồng đội anh ở Tiên Nữ mấy ngày nay cứ đứng ngồi không yên. Niềm vui đoàn tụ cùng gia đình vào ngày Tết đã gần lắm rồi. Nhưng đó không phải là lý do của sự nôn nao hôm nay.
 
img
 
Hai anh em Nguyễn Đình Thanh và Nguyễn Đình Minh
 
Mấy hôm trước, người em trai của anh gọi điện báo vài ngày nữa sẽ ra đảo nhưng thời gian thì chưa biết vì sóng gió khơi xa thất thường lắm.

Bỗng từ phía xa xuất hiện một chiếc xuồng nhỏ chở đoàn kỹ thuật của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đang từ từ cập vào đảo. Trên đó, bóng dáng đứa em trai của anh hiện ra thấp thoáng.

Đợt này, em trai anh Thanh cùng đồng nghiệp sẽ ra đảo để nâng cấp cột viễn thông Viettel đang dựng trên đó.

Xuồng cập đảo, đội kỹ thuật hè nhau vận chuyển các thiết bị lên cầu cảng. Anh cũng vào phụ một tay. Và em trai anh, Nguyễn Đình Minh đứng trước mặt anh tự bao giờ.

Niềm vui khôn xiết của cuộc đoàn tụ giữa biển khơi làm cho những đồng đội và đồng nghiệp của hai anh em cũng xúc động không nói lên lời. Cái ôm thật chặt lúc ấy cứ ngỡ chẳng bao giờ rời.

Bối rối hồi lâu, Minh xin phép anh cho mình trở về với công việc cùng anh em trong đoàn. Anh Thanh cũng cười nhớ ra nhiệm vụ của mình là đón đoàn công tác của vùng ra trao quà Tết cho cán bộ chiến sĩ trên đảo.
 
Hai anh em sẽ còn nhiều thời gian để trò chuyện. Chuyến trở về đất liền lần này, anh và em trai sẽ cùng đi trên một con tàu. Anh Thanh nhìn theo bóng Minh đang hối hả cùng đồng nghiệp kéo chiếc máy phát điện lên cầu cảng.
 
Anh Thanh kể,  Minh rất tự hào vì có anh trai là hải quân Trường Sa. Anh cũng rất xúc động khi em trai mình dù không theo nghiệp lính thủy nhưng vẫn ngày ngày vượt biển ra hải đảo xây lắp những cột viễn thông để sóng điện thoại và internet có thể phủ khắp quần đảo Trường Sa.

“Minh ơi, anh cũng tự hào về em lắm!”, anh thầm thì. Phía cầu cảng, Minh tranh thủ lúc nghỉ lấy sức cũng đang giơ tay vẫy vẫy anh. Xuân đang về rất gần.

Chuyện cổ tích quả bàng vuông

Với lính thủy ở những đảo nổi thì những loại cây như bàng vuông, phong ba, bão táp, tra,… như là những lá chắn sóng gió cực kỳ hiệu quả, lại tạo cảnh quan, tỏa bóng mát. Nhưng ở những đảo chìm như Tiên Nữ, xung quanh là rặng sa hô, giữa là một công trình quân sự kiên cố thì để có được màu xanh, cán bộ chiến sĩ nơi đây chỉ có thể trồng những ô, những chậu rau xanh. Màu xanh um tùm của cây cối có lẽ chỉ có trong tranh ảnh và nỗi nhớ của các anh.
 
img
 
Anh Phan Ngọc Quế bên cây bàng vuông

Đại úy Phan Ngọc Quế (phụ trách bộ phận cơ yếu của đảo) vốn là người yêu cây cỏ và khi ra đảo chìm công tác thì tình yêu đó càng mãnh liệt hơn.

Một ngày cách đây hơn năm, đang tuần tra, bỗng từ một con sóng ập vào bờ một quả bàng vuông.

“Chắc nó đã lênh đênh trên biển từ lâu, vỏ ngoài đã khô quắc lại. Nghe nói quả bàng vuông khô có một sức sống rất mãnh liệt, tại sao mình không trồng nó nhỉ?”, câu hỏi chợt thoáng qua trong đầu anh Quế.
 
Nhưng ở Tiên Nữ này thì lấy đâu ra đất và diện tích để trồng một loại cây to như thế? Cây bàng vuông là loại thân gỗ, khi trưởng thành nó có thể cao đến hơn 15 mét. Còn đất trồng cây thì phải được vận chuyển từng mét khối từ đất liền ra. Nhưng tình yêu với cây cỏ và niềm khát khao về một màu xanh rộng lớn đã thôi thúc anh Quế đem ươm quả bàng vuông ấy.

“Có thể qua vài năm sống ở đảo, cây bàng vuông này sẽ thích nghi được với những điều kiện hạn hẹp như thế mà sống tốt chăng?”, anh Quế tự nhủ.

Giờ thì quả bàng vuông khô hôm nào đã trở thành một cây bàng vuông xanh tốt đang được trồng trong một ống bơ. Đã hơn một năm tuổi nhưng chỉ cao có nửa mét. Anh Quế cười, “như ở đảo nổi là có thể cao đến hai mét rồi đấy!”.

Anh Quế kể, trồng trong ống bơ nên mình chăm sóc nó kỹ lắm, mưa gió dữ quá là di chuyển vào bên trong. Vậy là bàng vuông của anh đã thích nghi được và sống theo cách của riêng nó rồi đấy, mang màu sắc huyền ảo một chút, như cổ tích về quả dưa hấu của Mai An Tiêm.

Tết này anh Quế không có được niềm vui đoàn tụ như đồng đội, anh Nguyễn Minh Thanh nhưng ngày xuân trên đảo ít ra sẽ vui hơn mọi năm khi cây bàng vuông cổ tích của anh ngày càng lớn, càng tươi xanh.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo