Trước đây, ông Charles Darwin (1809-1882, người Anh) có lẽ bị bà vợ áp chế quá nên không tin vào truyền thuyết ông Adam và bà Eva bèn bỏ công nghiên cứu. Phát hiện loài người không phải đến từ Adam, ông hoảng quá chưa dám phổ biến học thuyết về người hết sức... khỉ của mình. Nhưng sau khi đọc bản thảo về học thuyết tiến hóa của Alfred Russel Wallance (gốc người Anh, sống ở Đông Ấn), nhất là khi cuốn “Nguồn gốc của các loài” được xuất bản năm 1859 tạo ra nhiều tranh cãi, năm 1871, Darwin xuất bản cuốn “Nguồn gốc loài người và sự lựa chọn trong quan hệ giới tính” chứng minh sự tiến hóa của loài người có nguồn gốc từ vượn.
Khỉ giống người, người giống… khỉ
Ông C.Darwin rất có lý vì trong các loài động vật, khỉ là giống được xếp chung loài với người - loài linh trưởng. Y ta có hình dáng giống người, có trí khôn, biết xử lý tình huống để lấy được thức ăn, bắt chước giỏi. Theo các nhà khoa học, hiện có hơn 200 loài khỉ, trong đó tinh tinh, đười ươi, khỉ Gorin là giống người nhiều hơn cả. Do đó, cô phục vụ trong truyện vui sau đã bị lầm một cách… hạnh phúc:
Một chú thủy thủ đi châu Phi về mang theo một con khỉ đột, lông lá xồm xoàm. Một lần, chú vào quán ăn, mang theo con khỉ, lúc sau thấy mất. Chú xuống bếp, thấy cô phục vụ bèn hỏi: “Em có thấy con khỉ của anh xuống đây không?”. “Chẳng có con khỉ nào cả, chỉ có một anh người nước ngoài, chẳng biết tiếng ta, vội vàng đến nỗi không kịp cởi áo lông” - cô đáp.
Khỉ quá giống người đến nỗi cô gái phải lầm lẫn. Trong khi đó, truyện cổ Việt Nam lại cho rằng khỉ lại biến từ người mà ra. Sự tích kể rằng xưa kia, có một nhà trưởng giả đối đãi tồi tệ với người ở gái. Một hôm nhà có giỗ, cô gái ra giếng gánh nước, gặp một cụ già rách rưới xin ăn, vội về lấy phần cơm của mình đem ra cho. Cụ bảo: “Ta là Bụt, con muốn gì, ta sẽ cho con được như ý nguyện”. Cô gái chỉ ước sao được bớt xấu xí. Bụt dạy cô lội xuống giếng, hễ thấy hoa nào đẹp thì mút lấy. Cô vâng lời, thấy hoa trắng thì ưa, mút vào bỗng nhiên trở nên xinh đẹp như tiên.
Khi cô gánh nước về đến nhà, mọi người kinh ngạc xúm lại hỏi căn do. Nghe cô kể lại sự tình, cả họ đổ xô ngay ra giếng, ai nấy rối rít đem xôi thịt mời Bụt ăn, xuýt xoa xin giúp. Bụt cũng bảo họ y như lời dặn cô gái. Xuống giếng, họ thấy hoa đỏ là đẹp, mút lấy mút để, ngờ đâu mặt mũi trở thành nhăn nheo, người quắt lại, lông lá ra đầy, đuôi mọc dài. Người làng thấy vậy hoảng hồn đánh đuổi đám khỉ này đi.
Khỉ chạy lên rừng, tiếc của quá, đêm đêm lại mò về làng, túm tụm ngoài sân, leo lên cửa sổ, nhòm vào nhà, dẩu mỏ léo nhéo suốt đêm. Người làng sợ, bàn với nhau bôi mắm tôm vào song cửa, lại nung nóng thật nhiều lưỡi cày đặt rải rác trong sân. Khỉ kéo nhau về như thường lệ, leo lên cửa bị mắm tôm vấy đầy tay. Hôi quá, khỉ bỏ chạy ra sân ngồi bệt xuống. Vừa đặt mông, trúng phải lưỡi cày nóng bỏng, chúng nhảy nhổm, kêu chí chóe, ba chân bốn cẳng kéo vào rừng, không dám về làng phá phách nữa. Vết bỏng cháy đỏ mông khỉ từ ấy đời đời không phai.
Trong khi đó, truyền thuyết hài hước lại cho rằng đời sống loài người là sự tổng hòa các mối quan hệ loài vật. Chúa cho người đàn ông sống 20 năm làm kiếp con người. Kế đó, anh ta lấy vợ và sống 20 năm kiếp con lừa, làm việc quần quật với những gánh nặng trên lưng. Khi có con, anh ta phải sống 15 năm kiếp con chó, trông coi nhà cửa và xơi đồ ăn thừa mà lũ con để lại. Mười năm cuối đời, anh ta sống kiếp con khỉ, hành động như một gã ngốc để mua vui cho lũ cháu.
Người đàn ông ấy cũng như loài khỉ hay ngược lại, loài khỉ cũng như loài người, biết yêu thương gia đình và con cái của chúng. Trong từng gia đình, khỉ cũng biết chăm sóc, yêu thương nhau, chia sẻ thức ăn cho con nhỏ...
Khi khỉ làm sếp
Trong bầy đàn, khỉ cũng có tôn ti trật tự do con trưởng đàn chỉ huy. Dĩ nhiên, khỉ sếp có những quyền ưu tiên như phân phối thức ăn và ăn trước. Vậy nên có chuyện tiếu lâm nói về mối tương quan của khỉ và sếp như sau:
Ngày xưa, có một ông vua tính nết rất kỳ khôi, hay chơi những trò trẻ con trái khoáy. Vua nghe đồn ở núi Thái Sơn mới xuất hiện 100 con khỉ rất quý hiếm nên truyền triều thần phải bắt cho đủ số về làm cảnh. Các quan lo tái người nhưng không muốn mất chỗ đội mão đành phải liều đi bắt khỉ. Bao phen xông xáo nguy hiểm song họ chỉ có bắt được 99 con, còn con đầu đàn chạy trốn, giăng bẫy mãi không được. Các quan lo lắm, kỳ hạn cũng sắp tới. Túng quá hóa liều, họ đành bắt một con chó nhỏ thay thế, hy vọng “lập lờ đánh lận con đen” để qua mắt nhà vua.
Ngày nộp khỉ đã tới. Vua vui vẻ đón nhận đúng 100 con khỉ và hết lòng khen ngợi quần thần. Sẵn có chùm nhãn, vua ném hết cho lũ khỉ rồi xem chúng tranh ăn đuổi nhau khắp vườn thượng uyển. Chỉ một lát, 99 con khỉ ào tới, chùm nhãn hết sạch, chỉ riêng có con chó không ăn, lại chạy đi tìm “món đặc biệt trời sinh” cho mình mà xực. Vua lấy làm ngạc nhiên, phán hỏi triều thần sao lại có giống khỉ lạ thế. Một vị quan kính cẩn: “Muôn tâu bệ hạ, đó là con khỉ sếp ạ!”.
Tức nhất là khỉ sếp có quyền chọn lựa bạn tình. Biết bao nhiêu em thuộc loại “mỹ hầu nương” phải dành cho sếp. Người ta thường thấy khỉ có thói quen chải chuốc bộ lông cho nhau, theo các nhà “khỉ học” thì đó là lúc chúng bắt đầu muốn “làm trò khỉ”. Khỉ đầu đàn cũng thuộc hạng “sư phụ” không thua gì dê đực về việc chăm lo cho các “bà vợ”. Ngoài chất con đực ra, khỉ đực hấp dẫn khỉ cái có lẽ là nhờ có đôi má hồng. Một nhóm người Anh nghiên cứu đã thử nghiệm trên 24 con khỉ nâu rhesus macaque đực. Họ sử dụng máy tính để biến hình ảnh khuôn mặt chúng từ trắng xanh và khi mặt chú khỉ ửng hồng thì 6 nàng khỉ chép miệng tỏ vẻ thích thú.
Theo các nhà khoa học, má hồng chứng tỏ hàm lượng testosterone cao ở con đực, cũng đồng nghĩa với hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và bộ gien tốt. Các nhà khoa học cho rằng khuôn mặt hồng hào cũng là một đặc điểm hấp dẫn ở con người. Điều đó có thể lý giải vì sao phụ nữ dùng mỹ phẩm để làm đỏ môi và hồng má? n
Kỳ tới: Khỉ vào truyện, lên phim
Bình luận (0)