Chẳng có điều gì cần bàn cãi nếu các công dân, trong đó bao gồm cả quan chức nhà nước, có nhà cao cửa rộng bằng những đồng tiền hợp pháp, minh bạch từ chính mồ hôi, công sức của mình. Thế nhưng, những biệt thự của quan chức lại gây xôn xao dư luận bởi những điều không bình thường.
Từ biệt thự của quan chức cấp tỉnh ở Đắk Lắk đến quan chức thấp nhất trong hệ thống chính quyền là xã ở Đồng Nai hay quan chức doanh nghiệp nhà nước ở Sóc Trăng… đều có chung một điểm lạ. Đó là xây dựng trái phép hoặc sai phép, xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc phép một đằng xây một nẻo. Đúng là không thể hiểu nổi vì sao đã khoác lên mình “chiếc áo” quan chức nhà nước, những người này lại có những việc làm vi phạm như vậy. Họ chắc chắn ý thức rất rõ việc làm của mình có vi phạm pháp luật hay không. Vì thế, với chức phận của mình hơn ai hết họ phải thượng tôn pháp luật. Song đáng tiếc là những người lại thượng tôn… lợi ích của chính mình cho dù thừa biết điều này là sai trái.
Điều gây thắc mắc là những công bộc của dân lấy tiền từ đâu để xây biệt thự. Chắc khó có thể dành dụm, tích góp từ đồng lương công chức hạn hẹp để xây những căn nhà tiền tỉ. Vậy những người này phải có nguồn thu nhập khác ngoài đồng lương nhà nước. Thu nhập này có chính đáng, hợp pháp và thực hiện đúng các quy định về thu nhập hay không? Lý giải “làm thêm chạy xe ôm thời trẻ tích tiền xây biệt thự” của vị quan chức hàng tỉnh ở Đắk Lắk khiến tất cả đều hoài nghi.
Những chuyện lạ quanh các căn biệt thự của quan chức nhà nước đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ và cần giải quyết. Trước hết, việc những người đó còn xứng đáng giữ các trách nhiệm được giao của một cán bộ nhà nước hay không là thẩm quyền của các cơ quan chức năng.
Song có lẽ điều được quan tâm bậc nhất là trách nhiệm giải trình và sự minh bạch về thu nhập và tài sản, kéo theo đó là sự liêm chính của quan chức nhà nước. Những quan chức này đều thuộc diện phải kê khai thu nhập, tài sản hằng năm. Vậy thu nhập mà họ dùng để xây cất các căn biệt thự có được kê khai hay không? Thu nhập này có thực hiện đóng thuế thu nhập hay không?... Đây chính là những vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để xác minh, làm rõ.
Tại Hội nghị tổng kết dự án đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trung tuần tháng 3 vừa qua, ông Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ đưa ra con số giật mình là cả nước không phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực. Con số này lạ như chuyện “chạy xe ôm tích tiền xây biệt thự”.
Giám sát tài sản của cán bộ, công chức nhà nước là một công cụ quan trọng để phòng, chống tham nhũng. Những điều lạ quanh các căn biệt thự của quan chức, ở góc độ nào đó lý giải vì sao chống tham nhũng chưa hiệu quả và “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp” như các đánh giá chính thức nhiều năm nay.
Bình luận (0)