xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện lạ: Thờ “thành hoàng” sống tại Thái Bình

Bài-ảnh: Minh Khanh

(NLĐO)- Từ xưa đến nay, hễ cứ nghe đến thành hoàng là lớp hậu nhân lại được nghe những câu chuyện về người đi mở đất thông qua sử sách hay những tài liệu cũ. Nhưng nay, câu chuyện về những tháng ngày đầy hi sinh, gian khổ để hình thành một miền đất mới được chính một thành hoàng còn sống kể lại.

Vùng đất mới ấy chính là xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. So với lịch sử ngàn năm đi mở cõi của đất nước, Nam Cường là một vùng đất hoàn toàn mới: mùa xuân này người dân Nam Cường chuẩn bị kỷ niệm 54 năm ngày hình thành.

Đội khai hoang năm ấy

“Thành hoàng xã” Ngô Đăng Ký tại đền thờ thành hoàng

“Thành hoàng xã” Ngô Đăng Ký tại nhà riêng của ông

Ông Bùi Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Nam Cường (Tiền Hải, Thái Bình), nói vùng đất này hình thành ra sao không ai rõ hơn chính những người đã kéo đất, đắp đê ngăn biển. Giọng nửa đùa nửa thật, ông mời phóng viên Báo Người Lao Động đi thăm “thành hoàng xã” khi đưa chúng tôi đến ngôi nhà có kiến trúc và điêu khắc như một ngôi đình…

Những suy nghĩ mơ hồ chỉ được xóa tan khi cụ Ngô Đăng Ký, Đội trưởng đội khai hoang vùng đất Nam Cường năm xưa, cũng là chủ nhà xuất hiện. Năm nay 93 tuổi nhưng cụ Ký vẫn còn minh mẫn và vui vẻ. Ông Tiến “bật mí”, hiện con cháu của cụ rất thành đạt và sống tại các TP lớn, họ luôn muốn đón hai cụ đến sống cùng nhưng hai cụ vẫn thủy chung với mảnh đất này từ ngày hình thành đến nay. Tiểu đội khai hoang do tỉnh thành lập ngày đó có 3 người và đều là lãnh đạo xã khi Nam Cường trở thành một đơn vị hành chính. Hiện hai người kia đã mất, chỉ còn cụ Ký.

“Cùng với mảnh đất Nam Cường, cụ Ký là niềm tự hào của người dân trong xã.Với chúng tôi, cụ như một trong những vị “thành hoàng” đã có công tạo dựng nên mảnh đất này. Cụ cũng là người chỉ đạo, cùng người dân vượt qua khó khăn, vun đắp cho mảnh đất này từ những ngày đầu hình thành. Chúng tôi nhìn cụ để tự nhắc nhau rằng cha ông đã chịu nhiều gian khó để hình thành mảnh đất này thế nào và chúng tôi phải cố gắng xây dựng Nam Cường phát triển bền vững hơn”- ông Tiến cho biết.

Cũng theo ông Tiến, tuy về hưu đã lâu nhưng cụ Ký vẫn tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho lãnh đạo xã liên quan đến việc phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống người dân.

Ông Ngô Đăng Kỳ, thành hoàng của xã Nam Cường, vẫn khỏe mạnh dù đã 93 tuổi

Ông Ngô Đăng Ký, thành hoàng của xã Nam Cường, vẫn khỏe mạnh dù đã 93 tuổi

Kéo chân trời gần lại

Câu chuyện khai hoang, cụ Ký đã kể rất nhiều lần cho các đoàn khách cũng như thế hệ trẻ trong xã nhưng những cảm xúc vui buồn, tự hào…mà cụ kể ngày hôm nay cứ dào dạt như chuyện vừa mới xảy ra vào ngày hôm qua.

Năm 1960, thực hiện nghị quyết đại hội lần thứ 3 của Đảng, Thái Bình lên kế hoạch quai đê lấn biển với phương châm “đẩy sóng ra khơi, kéo chân trời gần lại”. Cụ Ký lúc đó là cán bộ Ty Nông nghiệp Thái Bình, được giao làm đội trưởng tiểu đội khai hoang gồm 3 người. Nam Cường lúc đó là khu đất Tiền Châu lấn biển từ thời Nguyễn Công Trứ, bãi bồi sông Ngân, bãi bồi Hoàng Môn, đầm lầy toàn sú, vẹt. Hộ dân nào có diện tích canh tác dưới 3 sào thì được tỉnh vận động đi khai hoang. Phần ruộng đất để lại, người nào sử dụng phải có trách nhiệm đóng góp quỹ cho những người đi khai hoang, gọi là phong trào “xẻ người, xẻ của”.

Gần 200 người từ 23 xã của Thái Bình đã đăng ký, tuyên thệ, thành lập tiểu đoàn khai hoang và cụ Ngô Đăng Ký làm tiểu đoàn trưởng. Đoàn người đổ đất đá xuống các đầm lầy để lấn biển. Một con đê dài hơn 2 km kéo dài từ thôn Hoàng Môn, xã Đông Lâm xuống xã Nam Thịnh, để bảo vệ vùng đất mới.

Công việc quai đê lấn biển hoàn toàn bằng sức người và gia súc kéo, không có bất kỳ một loại máy móc nào. Ròng rã suốt 1 năm, đến tháng 4- 1961, vùng đất mới dài 13 km, rộng 2 km đã hình thành.

img

Nhiều đoàn khách và báo chí ở khắp đất nước đến thăm thành hoàng sống của xã Nam Cường

Năm 1962, miền đất mới vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Bác dạy: Mọi người muốn ăn cam thì phải trồng cam. Trồng xong phải chăm bón từ 3-5 năm thì có quả. Xã viên đi khai hoang cũng vậy, phải cố gắng lao động sản xuất để sau này được ấm no.

Cầm tấm bản đồ đầu tiên của Nam Cường với quy hoạch khu nhà ở, nhà hộ sinh, trường học…Bác hỏi Nam Cường có thực hiện được như bản đồ hay không. Cùng người dân cả nước vượt qua gian khó, người dân Nam Cường đồng lòng trả lời sẽ quyết tâm làm.

Những lời dặn của Bác đã tiếp thêm sức lực cho những người đi mở đất năm ấy. Lãnh đạo của Nam Cường cũng đi khắp nơi tham khảo mô hình của các nông trường. Sang nông trường của bộ ở Nam Thịnh, rồi nông trường Rạng Đông…nhưng diện tích của Nam Cường nhỏ thế, không thể trồng cây công nghiệp để có lãi như các nông trường khác. Cuối cùng lãnh đạo địa phương quyết định trồng lúa.

“Chúng tôi đào mương ngòi lấy nước ngọt từ sông Lân vào, cày bừa ruộng, ngâm rửa cho đất bớt chua, bớt mặn; xây lò, chở đá về nung vôi bón cho ruộng. Cuối năm 1962, chúng tôi đã trồng được 200 mẫu lúa đầu tiên trên mảnh đất chua mặn ấy”- cụ Ký bồi hồi kể.

Trong ngôi nhà ba gian đầy gió lộng, bốn bên treo những bức ảnh trắng đen của thời đi mở đất, của những đoàn đại biểu đến tham quan những ngày đầu… chúng tôi như được sống trong cảnh lao động hăng say, miệt mài của những ngày khẩn hoang ấy.

Sau ngày giải phóng đất nước, vào tháng 9-1975, cụ Ký cùng người dân Nam Cường hân hoan đón nhận tin Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập xã Nam Cường. Để rồi từ đó cứ mỗi lần nhắc về thời mở cõi của xã nhỏ này người dân không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến cụ Ký, nhân chứng lịch sử-thành hoàng sống của xã vẫn trường thọ cùng sự phát triển không ngừng của quê hương Thái Bình.

 

Tự lực, tự cường

Dân số Nam Cường trên 3.200 người (khoảng 884 hộ), tỉ lệ hộ nghèo là 2,8%. Thu nhập bình quân khoảng 23 triệu đồng/người/năm, được xem là địa phương khá giả của Thái Bình. Đặc biệt, cuối năm 2013, xã đã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu của xã nông thôn mới bằng chính nội lực của xã mà không có bất cứ sự trợ giúp về tài chính nào của tỉnh. Đây cũng là xã duy nhất của Thái Bình tự thân vận động, hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới.

Không chỉ vậy, Nam Cường còn được xem như một xã năng lượng mới khi ứng dụng nhiều mô hình tiết kiệm năng lượng với các hệ thống năng lượng tái tạo được trang bị ở cả hộ dân và khu vực công cộng, được khá nhiều tổ chức trong và ngoài nước quan tâm.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo