Áp lực quá tải ngày càng lớn thì chất lượng chữa bệnh ngày càng giảm sút. Rõ ràng, cách giải bài toán quá tải BV không khó. Đó là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các BV tuyến cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng thêm BV; tổ chức việc khám chữa bệnh một cách khoa học... Tuy nhiên, để thực hiện các yêu cầu đó lại hết sức nan giải.
Bộ Y tế đã thực hiện đề án giảm tải BV nhiều năm qua. Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác khám chữa bệnh năm 2014, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định không còn nằm ghép là 1 trong 7 nhiệm vụ cấp bách của ngành. Cũng tại hội nghị này, lần đầu tiên, 13 BV trực thuộc Bộ Y tế ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Đến nay, đã có 23/38 BV tuyến trung ương và 18 BV tuyến cuối của Sở Y tế TP HCM ký cam kết không để người bệnh nằm ghép sau 24-48 giờ nhập viện.
Dư luận ủng hộ Bộ Y tế trong việc thực hiện chương trình “nói không với nằm ghép” nhưng đối chiếu với những biện pháp để giải bài toán quá tải BV, vẫn thấy còn nhiều điểm bấp bênh. Điều dư luận lo ngại nhất là liệu Bộ Y tế có chạy theo thành tích khi thực hiện chương trình, làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh?
Hiện nay, các BV giảm tải chủ yếu bằng cách siết chặt việc chuyển viện. Thực ra, biện pháp này đã áp dụng từ lâu nhưng không hiệu quả khi mà chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở còn thấp. Hàng loạt tai biến y khoa nghiêm trọng chủ yếu do cán bộ y tế thiếu trách nhiệm, trình độ chuyên môn yếu gây ra trong thời gian gần đây là minh chứng quá đau lòng. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã xây dựng 700 BV cấp huyện, hơn 100 BV cấp tỉnh nhưng các BV tuyến cuối vẫn quá tải do người dân chưa yên tâm với chất lượng điều trị ở cơ sở.
Việc sàng lọc, phân loại bệnh nhân được điều trị nội hay ngoại trú như ở BV Nhi Trung ương đã làm hay cho bệnh nhân xuất viện sớm hoặc đưa xuống tuyến dưới tiếp tục điều trị cũng làm cho bệnh nhân lo lắng. Vẫn biết các BV đều có các tiêu chuẩn cụ thể khi một bệnh nhân nhập hoặc xuất viện nhưng dưới áp lực của lời cam kết không nằm ghép thì liệu thiệt thòi có bị đẩy cho bệnh nhân?
Mỗi BV sẽ có những sáng kiến khác nhau để cố gắng thực hiện việc giảm tải theo yêu cầu của Bộ Y tế. Nhưng xét cho cùng, chương trình giảm tải BV mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nên đừng biến mục tiêu tốt đẹp trở thành căn bệnh thành tích. Muốn đạt yêu cầu đó, ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào BV, kể cả khoa học quản lý, việc quan trọng hiện nay là nâng cao chất lượng đào tạo ngành y. Đó mới là yêu cầu cấp bách và căn cơ.
Bình luận (0)