Với khuôn mặt khắc khổ và cặp mắt đỏ mọng hướng vào bên trong Hội trường Thống Nhất, ông Bảy Tiến bồi hồi kể cho chúng tôi nghe những ngày theo bảo vệ ông Sáu Dân. Người cận vệ già bộc bạch: “Anh Sáu rất chân tình, giản dị, gần gũi, thường xuyên hỏi thăm, quan tâm đến những người lính”.
Sau giải phóng, ông Bảy nghỉ mất sức trở về quê, trong lúc ông Sáu Dân đang là Bí thư Thành ủy TPHCM. Đến khi ông Sáu Dân trở thành Thủ tướng, ông Bảy càng ít có điều kiện gặp gỡ vị lãnh đạo hơn. Ông kể: “Mãi đến ngày mùng một Tết năm 1996, một người lạ mặt đến nhà tôi, nói: “Lệnh của chú Sáu bảo anh bằng mọi giá phải lên Sài Gòn để chú gặp”. Thế là tại căn nhà trên đường Tú Xương, quận 3- TPHCM, ngày đầu năm mới đã diễn ra buổi gặp mặt đầy xúc động giữa ông Sáu Dân và người cận vệ già. Ông Bảy nhớ lại: “Nghe tôi kể về hoàn cảnh gia đình có 7 con nhỏ và đang nuôi thêm 2 cháu, con của đứa em đã chết và người mẹ già, trong khi nhà lại nghèo, kiếm ăn từng bữa, anh Sáu rầy: “Mày bê bối quá!”. Rồi anh vào lấy 1 triệu đồng cho tôi, dặn dò: “Nhớ chú tâm làm ăn!”. Thấy tôi lưỡng lự không dám cầm số tiền trên, anh Sáu la: “Tao cho chút vốn để mày làm ăn lo cho bà cụ và các con. Ráng lên nghe chưa!”. Ông siết chặt tay tôi. Nước mắt tôi cứ chảy dài. Phần vì buồn mình không lo được gia đình, phần vì xúc động trước nghĩa cử cao cả của anh Sáu”.
Lau hàng nước mắt đang ứa ra, ông Bảy Tiến trầm giọng: “Thấy gia đình tôi vất vả nuôi đàn con nheo nhóc, một lần anh Sáu đề nghị tôi đưa gia đình lên TP để tụi nhỏ có điều kiện học hành, nhưng tôi nghĩ xa ruộng vườn khó sống nên đã từ chối. Tôi đã đi sai nước cờ vì đã không nghe lời anh Sáu” - ông Bảy Tiến nghẹn ngào.
Bình luận (0)