xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện người nhặt xác hài nhi

Bài và ảnh: Khánh Linh

Ngày ngày, hai người đều đã ở tuổi xưa nay hiếm lóc cóc đạp xe hàng chục cây số rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để xin xác hài nhi về chôn cất

Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng - Nam Định.
Bà bộc bạch: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian”.

Không thể kìm lòng

Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất.
Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Hương “hài nhi”, có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.

Bà Cường năm nay đã 73 tuổi. Đó là một bà cụ hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.

Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.
Trong câu chuyện với bà Cường, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng thở dài của người phụ nữ đã ở tuổi gần hết cuộc đời về những chuyện lắt léo nhân tình thế thái của cuộc sống.
Bà nói như oán trách: “Cuộc sống ngày càng phát triển thì nhiều người sống càng buông thả hơn. Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở Đông Bình để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều đứa trẻ vô tội phải đi theo những vết kéo oan nghiệt. Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá!”.

Bị cười chê là… khùng!

Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng.

Cuộc sống như một định mệnh mà ở đó luôn thường trực cơ duyên của những tấm lòng nhân ái. Tưởng chừng như chỉ có mình bà Cường đi làm công việc “kỳ khôi” là gom nhặt và an táng cho những linh hồn bé nhỏ nhưng bà lại gặp được người bạn cùng chí hướng.
Đó là ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng âm thầm làm công việc tạo phúc đức như bà. Hai con người, hai số phận nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái với những số phận bất hạnh. Họ gặp nhau rồi ngày ngày lại cùng nhau thực hiện một công việc chung, một ơn nghĩa để đời.
Từ đó đến nay, ngày ngày người dân xã Nghĩa Thắng thường gặp cảnh hai người đều đã ở tuổi xưa nay hiếm lóc cóc trên những chiếc xe đạp cà tàng, đạp hàng chục cây số. Họ rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, thậm chí đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để… xin thi hài về chôn cất.

img

Bà Phạm Thị Cường thắp nhang cho những hài nhi xấu số
Những hài nhi nhặt về, bà Cường cùng với ông Bao tỉ mẫn cho vào những bát hương hoặc tiểu sành nhỏ. Bà Cường tâm sự: “Những ngày đầu, tôi thường bị người đời cười chê cho là khùng nhưng dần dần, họ hiểu nên cũng có vài người đi làm cùng”.
Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.
Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích. “Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng”- bà Cường cho biết.
Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ”.
img
Bà Cường với công việc bán tạp hóa mưu sinh hằng ngày
Bên ngôi mộ chung được xây dựng khá kiên cố và sạch sẽ, bà cho biết nó được một nhà hảo tâm trong TPHCM gửi tiền ra để xây cho các cháu. “Gần chục năm nay, chúng tôi đã an táng cho hơn 3.000 sinh linh bé bỏng tại nơi này”- bà não nề.
Nhìn những bát hương bên trên có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, mà theo bà Cường mỗi bát hương đó là một đứa trẻ, tôi không khỏi chạnh lòng suy nghĩ. Một địa phương nhỏ như Nghĩa Hưng mà gần chục năm đã có hàng ngàn em bé bị bỏ rơi và chết đi khi chưa kịp chào đời! Đó quả thực là con số quá đau lòng.
Càng thương các cháu nhỏ bao nhiêu, tôi lại càng khâm phục những con người như bà Cường và ông Bao bấy nhiêu. Những việc họ làm không chỉ mang ý nghĩa nhân ái mà đó là hành động cao cả trong cuộc chiến bảo vệ quyền sống của con người, giúp chúng ta nhận ra một thực tại đau lòng, ngẫm về việc sống buông thả của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã để lại những hậu quả đau lòng.

Cầu mong… thất nghiệp

Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người.

Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa.
Tuy vậy, bà Cường vẫn khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế”.
Chúng tôi rời nghĩa trang Quần Vinh khi mặt trời đã tắt. Nhìn những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ, chúng tôi biết các cháu đã có giấc ngủ yên bình bởi các cháu được những người dù không trực tiếp sinh thành nhưng luôn làm tất cả để bảo vệ giấc ngủ bình yên cho mình ở nơi vĩnh hằng.
Ngày mới sẽ đến, hy vọng sẽ không còn cảnh những bào thai bị vứt bỏ nữa để những người như bà Cường hay ông Bao sẽ được nghỉ ngơi và xã hội sẽ không còn những cảnh đau lòng.
 

Ám ảnh

Bà Cường vừa rót nước trà mời khách vừa tâm sự về “cơ duyên” dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8-3-2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi ni lông màu đen, ruồi muỗi bám đen.
“Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì”- bà Cường nhớ lại.
Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin.
“Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất”- bà Cường tâm sự.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo