Nhiều ngư dân ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết theo Nghị định (NĐ) 67/2014, vốn đối ứng khi vay đóng tàu gỗ là 30%, tàu sắt 5%, hầu hết bà con không lo nổi. “Vì thế, những tay môi giới vay tiền ngân hàng (NH) có dịp giở trò. Đám “cò 67” này giờ nhiều lắm, nổi bật là tay T., kẻ tự giới thiệu là giám đốc một công ty thương mại, dịch vụ ở Tuy Hòa” - một ngư dân khẳng định.
Khua môi múa mép
Trước đó, ông L.C.S, một ngư dân ở TP Tuy Hòa, đưa cho chúng tôi xem hợp đồng mà cò T. đã soạn sẵn. Trong hợp đồng, T. cho biết đang đóng 15 chiếc tàu composite cho ngư dân tại cơ sở của Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy ở Khánh Hòa. Ông S. là một trong những ngư dân được T. “ưu ái” chọn để đóng tàu theo NĐ 67.
Theo hợp đồng, mục quan trọng nhất là “giá cả, hình thức thanh toán” chỉ ghi chung chung, kiểu “đơn giá đóng mới tàu 2 bên sẽ thỏa thuận sau”, “hình thức thanh toán cụ thể sẽ được ghi chi tiết trong phụ lục”, trong khi hợp đồng lại không có phụ lục. Hợp đồng ghi bên B (công ty của T.) sẽ cho ông S. vay 700 triệu đồng để làm vốn đối ứng nhưng lãi suất không đề cập.
“T. bảo dù hợp đồng ghi là vay nhưng công ty sẽ cho tôi mượn 700 triệu đồng. Sau đó, ông ta sẽ thổi giá đóng tàu, mua ngư cụ từ 10 tỉ lên 14 tỉ đồng để tôi được vay 14 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch 4 tỉ đồng ấy, tôi sẽ trả lại 700 triệu đồng, 3,3 tỉ đồng còn lại thì ăn chia với công ty ông T. theo tỉ lệ 5-5 hoặc 6-4. Mình không có vốn đối ứng nghe cũng ham nhưng nghĩ lại số tiền chênh lệch quá lớn, thấy cũng nghi” - ông S. băn khoăn…
Trong vai ngư dân đang thiếu vốn đối ứng để đóng tàu mới, sau cuộc điện thoại giới thiệu của ông S., phóng viên Báo Người Lao Động lập tức được cò T. hẹn gặp để “giúp đỡ”. Tiếp xúc với chúng tôi, sau một lúc quan sát xem có đúng là ngư dân không, cò T. bắt đầu “nổ”. T. khoe mình “quen biết đặc biệt” với giám đốc NH Công thương Chi nhánh Phú Yên Đặng Hồng Lĩnh. Rằng NH vừa nài nỉ T. đứng ra lo vốn đối ứng và làm dịch vụ để đóng 7 tàu gỗ nhưng ông ta không làm. “Thẩm định tàu dù đã duyệt nhưng lúc đưa lên giải ngân mới bầm dập. Tư nhân không làm được đâu, khó lắm” - ông ta vẽ vời.
Về chuyện giá tàu không đưa vào hợp đồng, T. ầu ơ: “Khi nào anh em mình hợp tác, ký hợp đồng với nhau thì mới có giá”. Khi chúng tôi đề nghị hạ bớt tỉ lệ ăn chia phần dôi dư khi thổi giá tàu để vay NH, T. hứa hẹn: “Nếu hợp tác với công ty của tôi, anh cứ yên tâm, ngư dân có lợi rất nhiều. Tư nhân thì khó vay lắm vì không có mối quan hệ. Nói thật, không chỉ ở tỉnh, tôi còn quen biết nhiều ở trung ương kìa, ở bộ kìa”.
Chúng tôi tỏ ra băn khoăn về việc không có tiền trả nợ NH khi thổi giá tàu lên, cò T. đưa tay chỉ ly nước đang uống rồi trấn an: “Anh chẳng hiểu gì cả! Ví dụ nhà nước cho vay tiền để làm cái ly này, anh lại lấy nó thế chấp NH. Năm đầu, anh không phải trả gì cả. Những năm sau, có tiền thì anh trả, nếu không có thì nhà nước sẽ xóa nợ. Nếu không xóa nợ thì họ chỉ lấy lại cái ly ấy thôi. Anh phải hiểu “cái 67” nó là vậy”.
Rồi “cò” T. khua môi múa mép: “Tiền này cũng không phải của nhà nước mà là nước ngoài tài trợ để ngư dân đóng tàu ra khơi, giữ biển. Nước ngoài họ tài trợ không hoàn lại cho mình 1 tỉ USD, tức khoảng 22.000 tỉ đồng. Nhà nước đã giữ lại 6.000 tỉ đồng để mua bảo hiểm, nếu ngư dân gặp khó khăn gì là xóa hết nợ, còn 16.000 tỉ đồng mới triển khai cho các tỉnh, thành ven biển. Họ cho mình 10 năm, nếu không trả được sẽ gia hạn tiếp 20 năm, mà nếu không trả được nữa thì sẽ xóa luôn. Ngư dân cứ yên tâm, không phải lo gì cả”.
Rõ ràng là lừa đảo
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hồng Lĩnh tỏ ra rất bức xúc. “Họ nói với ngư dân rằng quen biết tôi để chạy giải ngân sớm là mạo danh. Thực hiện NĐ 67, NH hợp tác trực tiếp với chủ đầu tư chứ không phải qua khâu trung gian nào. Không có chuyện NH giải ngân qua công ty môi giới hay cò. Nếu có công ty nào đứng ra làm việc ấy thì cũng chỉ là đơn vị sản xuất hoặc đại lý độc quyền máy tàu, ngư lưới cụ và cũng chỉ hoạt động như giới thiệu sản phẩm mà thôi” - ông khẳng định.
Ông Lĩnh cho rằng việc giải ngân hiện nay gặp khó là do ngư dân không có vốn đối ứng . “Ngư dân đều có tàu cá cũ, nhà cửa để vay NH làm vốn đối ứng nhưng theo quy định thì không được phép. Theo quy định, vốn đối ứng là vốn tự có của ngư dân. Nếu bà con thế chấp tàu cá, nhà xưởng để vay NH thì vốn này là vốn vay chứ không phải là đối ứng” - ông giải thích.
Theo ông Đinh Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, dù chưa nắm được thông tin về “cò 67” nhưng nếu có tình trạng như thế là hết sức nguy hiểm. “Người chịu trách nhiệm về vốn vay là ngư dân. Vì vậy, nếu thổi vốn lên để ăn chia thì cũng chỉ ăn chia ngay trong vốn vay của ngư dân, phần thiệt vẫn là bà con. Chẳng bao giờ có chuyện ngư dân được xóa nợ nếu không trả” - ông nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, việc “cò 67” cho rằng thổi giá để ăn chia là không dễ vì hội đồng thẩm định với 20 người làm việc rất kỹ. Mặt khác, muốn làm dịch vụ đóng tàu cho ngư dân theo NĐ 67 thì phải xin phép, trong khi tỉnh chưa cho phép công ty nào làm việc này.
“Theo tôi, gạ gẫm ngư dân như thế là những công ty ma và rõ ràng, đó là hình thức lừa đảo. Chúng tôi sẽ cử cán bộ trực tiếp gặp ngư dân nói rõ điều đó để bà con không bị lừa gạt” - ông Phương cho hay.
Cò “ăn” tới 15%-20%
Theo nhiều ngư dân Bình Định, sau khi nhà nước có chủ trương cho ngư dân vay vốn ưu đãi đóng mới tàu cá theo NĐ 67, tình trạng cò mồi cũng bắt đầu xuất hiện. Các đối tượng này chủ yếu là một số chủ cơ sở đóng tàu, cung cấp ngư lưới cụ…
Tùy theo mức độ quen thân, cò đưa ra “hoa hồng” 15%-20% đối với mỗi dự án đóng mới tàu. Cụ thể, để vay đóng một con tàu trị giá 7 tỉ đồng, ngư dân phải chi cho cò 1-1,4 tỉ đồng. Đó mới chỉ là phần đóng tàu, còn muốn vay mua ngư cụ, ngư dân cũng phải chi tiền với tỉ lệ tương tự. Đ.Anh
Kỳ tới: Trầy trật vay vốn đóng tàu
Bình luận (0)